Thủ tướng Anh Theresa May - Ảnh: Bloomberg. |
Bà Theresa May đang bước vào một trong những tuần khó khăn nhất trong nhiệm kỳ Thủ tướng Anh của bà. Tuần này, Quốc hội Anh sẽ đưa ra quyết định đối với thỏa thuận mà bà May đạt được với Liên minh châu Âu (EU) về việc Anh rời khối, hay còn gọi là Brexit.
Không chỉ "số phận" thỏa thuận Brexit được định đoạt, mà tuần này còn có thể là tuần quyết định đối với ghế Thủ tướng của bà May.
Cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tại Hạ viện Anh sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba, và thỏa thuận gần như chắc chắn sẽ hứng thất bại trong cuộc bỏ phiếu này. Đối mặt với sự bấp bênh lớn như vậy, bà May ngày Chủ nhật lên tiếng cảnh báo rằng sự bác bỏ của Hạ viện đối với thỏa thuận có thể sẽ đồng nghĩa với việc Brexit bị hủy, thay vì nước Anh sẽ ra khỏi EU mà không có thỏa thuận.
Trong một bài viết đăng trên tờ Sunday Express, bà May nói các nghị sỹ không thể làm thất vọng những cử tri Anh đã bỏ phiếu chọn Brexit. "Làm vậy sẽ là một thảm họa và là sự bội tín không thể tha thứ đối với nền dân chủ của chúng ta", bà May cảnh báo.
"Bởi vậy, thông điệp của tôi gửi đến Quốc hội tuần này rất đơn giản: đây là lúc quên đi trò chơi, và làm điều đúng đắn cho đất nước của mình", bà nói.
Trước đó cùng ngày, bà May cũng nói rằng thỏa thuận Brexit cần phải được Quốc hội Anh thông qua để giữ các mối quan hệ kinh tế-thương mại của Anh với EU, theo đó đáp ứng mong muốn của những cử tri đã bỏ phiếu chọn ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào tháng 6/2016.
Hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói rằng Brexit có thể không diễn ra nếu thỏa thuận của bà May bị bác bỏ.
Theo dự kiến, nước Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3.
Tờ Sunday Times dẫn nguồn thạo tin nói rằng một số nghị sỹ Anh đang có kế hoạch giành quyền kiểm soát chương trình nghị sự của Quốc hội Anh từ tay bà May trong tuần này, và sẽ tìm cách hoãn hoặc thậm chí là hủy Brexit.
Bà May đã mất gần 2 năm để đạt thỏa thuận Brexit với EU. Một câu hỏi đặt ra lúc này là bà sẽ làm gì tiếp theo nếu thỏa thuận bị Quốc hội Anh bác bỏ.
Sự bác bỏ của Quốc hội Anh đối với thỏa thuận đồng nghĩa với việc Anh sẽ phải ra khỏi EU mà không giữ được các mối quan hệ thương mại và kinh tế như hiện nay với khối. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo rằng một cuộc "ly hôn" như vậy sẽ gây "hỗn loạn", khiến giá đồng Bảng và giá nhà ở Anh lao dốc, đẩy nước này rơi vào một cuộc suy thoái còn tệ hơn cả khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập kỷ.
Những người ủng hộ Brexit cho rằng bà May nên đàm phán lại với EU về những điều khoản còn gây nhiều tranh cãi trong thỏa thuận, nhưng EU không muốn có thêm nhượng bộ.
Trong khi đó, Công đảng đối lập muốn lật đổ chính phủ của bà May bằng cách tổ chức một cuộc tổng bầu cử mới. Hôm Chủ nhật, thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn đã phát tín hiệu muốn có một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ sau vài ngày nếu bà May hứng thất bại trong cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit.