Vốn hóa của Petrolimex sau khi niêm yết được dự đoán khoảng 2,3 tỷ USD |
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM - HoSE) cho hay, cơ quan này đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 1,29 tỷ cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Trước đó, chia sẻ tại buổi gặp mặt nhà đầu tổ chức tại TPHCM mới đây, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex cũng đã cho biết, dự kiến cổ phiếu Petrolimex sẽ niêm yết trên sàn HoSE vào trung tuần tháng 4/2017.
Hồi cuối tháng 7/2011, Petrolimex thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng 27,4 triệu đơn vị, giá khởi điểm 15.000 đồng/cổ phiếu và giá đấu thành công bình quân đạt 15.032 đồng/cổ phiếu.
Trên sàn OTC, hiện cổ phiếu Petrolimex đang giao dịch quanh mức 50.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu Petrolimex chỉ thực sự tăng mạnh và giao dịch sôi động hơn trên OTC kể từ tháng 7 năm ngoái khi tập đoàn này có kế hoạch niêm yết.
Trước đó, trong một thời gian dài kể từ sau cổ phần hóa, thị giá cổ phiếu Petrolimex hầu như đi ngang mức 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ chưa đầy một năm, giá cổ phiếu Petrolimex đã tăng gấp 5 năm lần nhờ tin niêm yết.
Trong một báo cáo phân tích phát đi mới đây của SSI Research - bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI, đơn vị tư vấn cho Petrolimex, SSI nhận định, với giá giao dịch trên OTC của Petrolimex (vào cuối tháng 2) khoảng 40.000 đồng thì vốn hóa thị trường của công ty này có thể vào khoảng 51.755 tỷ đồng (tương đương 2,27 tỷ USD, nằm trong "top" 20 doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn nhất.
Về cơ cấu cổ đông của Petrolimex, hiện tại, Bộ Công Thương (đại diện cho cổ đông Nhà nước) sở hữu 981,7 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 75,87%; cổ đông chiến lược JX Nippon Oil & Energy Corp. (JX NOE) sở hữu 103,5 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 8%.
Petrolimex được thành lập từ ngày 12/1/1956 với tên gọi Tổng Công ty Xăng dầu mỡ. Năm 1995, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất Tổng Công ty Xăng dầu và Công ty Dầu lửa Trung ương.
Hiện nay, Petrolimex đang nắm giữ cổ phần chi phối tại các tổng công ty như: Tổng Công ty Vận tải thủy Petrolimex (100%), Tổng Công ty Xây lắp, Tổng Công ty Dịch vụ Xăng dầu, Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (79,07%), Tổng Công ty Gas Petrolimex (52,37%), Tổng Công ty Bảo hiểm Petrolimex (51,19%). Ngoài ra, Petrolimex còn sở hữu 40,57% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), 0,2% Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), 715.908 cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Năm 2016, tổng doanh thu thuần hợp nhất (của các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm,…) đạt 123.097 tỷ đồng, bằng 83,8% so với cùng kỳ.
Petrolimex cho biết, doanh thu giảm chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 12 tháng năm 2015 là 48,8 USD/thùng, trong khi bình quân năm 12 tháng năm 2016 là 43,32 USD/thùng (bằng 88,7% giá dầu bình quân 12 tháng 2015).
Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2016 đạt 6.300 tỷ đồng, đạt 158% kế hoạch và bằng 148% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 5.165 tỷ đồng.
Năm 2017, tập đoàn này lên kế hoạch kinh doanh ở mức thận trọng với mục tiêu tổng doanh thu là 163.221 tỷ đồng trước khi nâng lên 202.202 tỷ đồng vào năm 2020. Cổ tức được đặt ra ở mức tối thiểu 12% cho 3 đến 5 năm tới.