Sai phạm về hóa đơn diễn biến phức tạp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài chính cho biết, sai phạm về hóa đơn vẫn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng thành lập, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp với mục đích in, phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để trốn thuế, hoàn thuế bất chính. Để ngăn chặn tình trạng này, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa ngành công an và tài chính trong thời gian tới.
Công ty TNHH Junma Phú Thọ có hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào và kê khai, khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Hiền Anh
Công ty TNHH Junma Phú Thọ có hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào và kê khai, khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh: Hiền Anh

Mới đây nhất, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với Công ty TNHH Junma Phú Thọ từ kỳ tháng 7/2019 đến tháng 3/2020, Cục Thuế Phú Thọ đã phát hiện nhiều điểm bất thường.

Cụ thể, doanh nghiệp này mới thành lập trong năm 2017 nhưng doanh thu năm 2018 và 2019 tăng đột biến. Ngoài việc doanh nghiệp có sản xuất chế biến tại địa chỉ số 10 Khu công nghiệp Thụy Vân, xã Thụy Vân, TP. Việt Trì, Phú Thọ thì một số công ty con trong hệ thống sản xuất và chuyển sản phẩm về Junma Phú Thọ để hoàn thiện và xuất khẩu, chính vì vậy doanh thu xuất khẩu và số thuế đề nghị khấu trừ rất lớn.

Cục Thuế Phú Thọ đã rà soát, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế và phát hiện hàng hóa mua vào của doanh nghiệp là gỗ tròn với chứng từ mua trực tiếp của người dân. Tuy nhiên, qua xác minh đối với 9 hộ cá nhân (cả người trực tiếp trồng rừng bán ra và hộ cá nhân kinh doanh), người bán trên hồ sơ không có quan hệ với Công ty Junma, cũng không ký trên hồ sơ thu mua gỗ tròn của Công ty. Do vậy, Cục Thuế đã cung cấp cho cơ quan công an các thông tin về hóa đơn của 16 doanh nghiệp và 4 hộ cung cấp ván bóc cho Công ty để đề nghị cơ quan công an xác minh nhằm phát hiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Qua quá trình điều tra, xác minh, cơ quan công an xác định: Công ty TNHH Thương mại Tài Tiến có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp và Công ty TNHH Junma Phú Thọ có hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để hợp thức cho hàng hóa là nguyên liệu gỗ mua vào và kê khai, khấu trừ, hoàn thuế GTGT. Ngay sau đó, Cục Thuế Phú Thọ đã ban hành Thông báo về việc tạm dừng giải quyết hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của Công ty Junma Phú Thọ với số tiền thuế GTGT chưa được giải quyết hoàn thuế theo các hồ sơ đề nghị hoàn thuế từ tháng 7/2019 đến tháng 3/2020 là trên 135 tỷ đồng.

Năm 2018, đã phát hiện 2.983 doanh nghiệp với 58.812 hóa đơn vi phạm, cơ quan thuế đã xử lý truy thu thuế GTGT và thuế TNDN là 46.321 triệu đồng. Năm 2019, đã phát hiện 1.137 doanh nghiệp, với 54.988 hóa đơn vi phạm, cơ quan thuế đã xử lý truy thu thuế GTGT và thuế TNDN là 51.179 triệu đồng.

Đại tá Phạm Trường Giang, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, trong vụ án này đã phát hiện một ổ nhóm chuyên mua bán hoá đơn GTGT với số lượng lớn có giá trị lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành mở rộng vụ án.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, năm 2017, ngành thuế đã phát hiện 3.354 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, với 382.876 hóa đơn vi phạm. Cơ quan thuế các cấp đã xử lý truy thu 96.770 triệu đồng tiền thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Năm 2018, đã phát hiện 2.983 doanh nghiệp với 58.812 hóa đơn vi phạm, cơ quan thuế đã xử lý truy thu thuế GTGT và thuế TNDN là 46.321 triệu đồng. Năm 2019, đã phát hiện 1.137 doanh nghiệp, với 54.988 hóa đơn vi phạm, cơ quan thuế đã xử lý truy thu thuế GTGT và thuế TNDN là 51.179 triệu đồng.

Đánh giá về công tác phối hợp ngăn chặn các hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, Bộ Công an và Bộ Tài chính đã và cần tiếp tục thực hiện tốt hơn việc phối hợp, trao đổi thông tin, trong công tác đấu tranh chống gian lận tiền thuế GTGT, triệt phá các đường dây, ổ nhóm chuyên mua bán trái phép hóa đơn GTGT đang diễn ra có chiều hướng gia tăng và phức tạp như hiện nay.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Dũng, ngành Công an và Tài chính cần sớm ban hành quy chế phối hợp chung để có tính pháp lý cao hơn, đồng thời tiếp tục quán triệt quy chế phối hợp đến cấp cơ sở để nâng cao được hiệu quả trong việc phát hiện kịp thời các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần hoàn thiện thu ngân sách nhà nước. Đồng thời, cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, kết thúc điều tra và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử kịp thời theo quy định để răn đe các đối tượng có ý đồ phạm tội.

Chuyên đề