RCEP có thể được ký kết vào ngày 15/11

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Tại cuộc họp báo về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, đàm phán liên quan đến Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được hoàn tất.

Việc ký kết RCEP sẽ tạo nên một cú hích mới cho sự phát triển thương mại giữa 10 thành viên của ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Ảnh: Lê An
Việc ký kết RCEP sẽ tạo nên một cú hích mới cho sự phát triển thương mại giữa 10 thành viên của ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Ảnh: Lê An

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, nếu như thủ tục nội bộ của tất cả các nước liên quan được hoàn tất kịp thời thì Lễ ký kết RCEP sẽ diễn ra trong ngày 15/11. Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm: “Các nước liên quan đã mất rất nhiều năm để đàm phán, thương lượng về RCEP. Việc ký kết được RCEP sẽ tạo nên một sức bật mới, một cú hích mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là các nước tham gia ký kết. Việc ký kết cũng có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam nói riêng, khi chúng ta là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đã góp phần giúp đạt được thỏa thuận để đi đến ký kết RCEP - Hiệp định đã được mong đợi từ rất lâu”.

RCEP là hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2012.

Trong cuộc đàm phán phút chót ngày 4/11/2019, Ấn Độ đã rút khỏi RCEP do các vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là liên quan tới thuế nông nghiệp. Ấn Độ sau đó tuyên bố không tham gia hiệp định trong năm nay.

Theo một tuyên bố từ RCEP, 15 nước tham gia đã kết thúc các cuộc đàm phán cho tất cả 20 chương và các vấn đề tiếp cận thị trường. Dù có Ấn Độ hay không, hiệp định đã được lên kế hoạch ký kết chính thức trong năm 2020 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2021 hoặc tháng 1/2022.

Chuyên đề