Nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng hiện chưa đến 20%. Ảnh: Lê Tiên |
“Chìa khóa” tăng sức hút với nhà đầu tư quốc tế
Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) nhận định, dự kiến, đến năm 2030, số tiền đầu tư cho lĩnh vực bán dẫn sẽ đạt gần 1.000 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng và phát triển của ngành bán dẫn ngày càng mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu lao động không ngừng gia tăng.
Chủ tịch SIA John Neffer cho biết, Hoa Kỳ - “quê hương” của nhiều “ông lớn” ngành công nghệ đã có hiện tượng thiếu hụt nguồn nhân lực. Ông Neffer dự đoán, Hoa Kỳ sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn vào năm 2030.
Không chỉ riêng Hoa Kỳ, các quốc gia tại khu vực châu Âu cũng đứng trước nguy cơ khan hiếm nguồn nhân lực do lao động trong ngành bán dẫn hiện tại đang trong độ tuổi sắp nghỉ hưu.
Nhiều nhà đầu tư quốc tế đánh giá, Việt Nam đang có “cơ hội vàng” để nâng cao vị thế trong hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á và chuỗi giá trị toàn cầu. Một trong những điểm cộng quan trọng của Việt Nam là tiềm năng lớn về nguồn nhân lực. “Người Việt Nam thông minh, có khả năng phân tích, học tốt các ngành toán học…, lại ngày càng được đào tạo bài bản. Đó là cơ hội tốt để phát triển ngành bán dẫn. Các doanh nghiệp bán dẫn có mặt tại Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực thực sự”, TS. Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam nhận định.
TS. Trịnh Công, quản lý cao cấp của nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Applied Materials, thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, nếu phát triển được nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn thì Việt Nam sẽ tăng sức hút với nhà đầu tư quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Việt Nam cho biết, mức lương ngành bán dẫn rất hấp dẫn. Theo ông Yên, ở Việt Nam, ngay khi mới ra trường, các nhân sự có thể hưởng mức lương khởi điểm 10.000 - 15.000 USD/năm (chưa kể thưởng). Mức lương sẽ tăng cùng với năng lực và kinh nghiệm…
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, làm thế nào để cung cấp đủ nhân lực cho ngành bán dẫn là một bài toán khó, bởi nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng hiện chưa đến 20%.
Tăng tốc thực thi, nắm bắt cơ hội
Dự thảo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vừa được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ. Dự thảo Đề án đặt mục tiêu đào tạo khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cả về chất lượng và số lượng.
Để thực hiện được mục tiêu này, việc phối hợp với các tập đoàn trong và ngoài nước để tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là rất quan trọng. Sự hợp tác này rất cần thiết, bởi muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phải bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế, không thể một mình một cách thức đào tạo.
Sáng 23/4 tại Hà Nội, Tập đoàn FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với NVIDIA - tập đoàn công nghệ đa quốc gia hàng đầu thế giới để thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng Việt Nam và trên toàn cầu. Hai bên dự kiến xây dựng Nhà máy Trí tuệ nhân tạo (AI Factory), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trở thành Đối tác phát triển dịch vụ (Service Delivery Partner) trong mạng lưới đối tác của NVIDIA. FPT dự kiến đưa nội dung đào tạo của NVIDIA vào giảng dạy tại đại học và trung học phổ thông để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. FPT đặt mục tiêu có ít nhất 30 nghìn sinh viên và học sinh được tiếp cận chương trình trong vòng 5 năm.
Trước đó, ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn NVIDA (Hoa Kỳ) nhằm triển khai các bước tiếp theo trong việc hiện thực hóa cam kết đưa Việt Nam trở thành “quê hương thứ hai” của NVIDA.
Đặc biệt, “bài toán khó” đối với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là phòng thí nghiệm về bán dẫn vi mạch cũng đã được đề xuất hướng giải quyết tại Dự thảo Đề án. Cụ thể, theo ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Dự thảo Đề án đề xuất thành lập 4 trung tâm bán dẫn dùng chung quốc gia (2 ở Hà Nội, 1 ở Đà Nẵng, 1 ở TP.HCM); 18 - 20 trung tâm đào tạo tiêu chuẩn đặt tại các trường đại học do ngân sách nhà nước đầu tư. Ngoài ra, phía Hoa Kỳ sẽ tài trợ đầu tư thêm 2 phòng thí nghiệm chuyên về đo kiểm đặt tại NIC Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra trong Dự thảo Đề án, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế chính sách phải xây dựng rất nhanh, nguồn lực phải sẵn sàng để khi Đề án được phê duyệt thì triển khai được ngay. Một số chuyên gia cũng đề nghị đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ để tránh “bẫy” đào tạo nhân lực thực hành; cần “gói” cơ chế, chính sách đột phá…
“Tôi mong rằng, một đề án tốt như vậy khi được ban hành thì cần nỗ lực để thực thi hiệu quả, tránh để những mục tiêu, kế hoạch nằm trên giấy mà không thực hiện, khiến bỏ lỡ thời cơ”, TS. Lê Quang Đạm nói.
Để nắm bắt cơ hội mới, nhiều trường đại học như: Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ, Đại học CMC, Đại học FPT, Đại học Đà Nẵng… đã và đang đẩy mạnh đào tạo các ngành học trong lĩnh vực bán dẫn. NIC đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp cũng như các trường đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn như: Tập đoàn Cadence; Đại học bang Arizona… tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực bán dẫn.