Quảng Nam phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn |
Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, GRDP/người đạt 3.400 USD; cơ cấu kinh tế các ngành phi nông nghiệp chiếm khoảng 90%; ngành nông nghiệp chiếm khoảng 10%. Đến năm 2025: GRDP/người đạt khoảng 5.000 USD; cơ cấu kinh tế các ngành phi nông nghiệp chiếm hơn 92%, ngành nông nghiệp chiếm gần 8%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 16%/năm giai đoạn 2016 - 2020; tăng 17%/năm giai đoạn 2021 - 2025. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân trên 15%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tương đương 30% GRDP.
Đến năm 2020 cơ cấu lao động ngành nông lâm thủy sản chiếm 38,0%, công nghiệp - xây dựng chiếm 31,9%, dịch vụ chiếm 30,1%; đến năm 2025 ngành nông lâm thủy sản chiếm 29,0%, công nghiệp - xây dựng chiếm 38,8%, dịch vụ chiếm 32,2%...
Đến năm 2030 Quảng Nam là một trong những tỉnh phát triển của vùng và cả nước, hội tụ những yếu tố của nền kinh tế tri thức với các ngành định hướng phát triển mạnh về công nghệ tiên tiến, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường an toàn, bền vững. Hình thành được một hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hoàn thiện và hiện đại. Phát triển vững chắc về an ninh quốc phòng, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội, chất lượng cuộc sống của dân cư không ngừng được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trung bình khoảng 10,5% giai đoạn 2021 - 2030, GRDP/người đạt mức trên 9.100 USD vào năm 2030, gấp trên 2,5 lần năm 2020.
Các khâu đột phá
Thứ nhất, Quảng Nam sẽ tập trung phát triển cụm ngành động lực lợi thế của tỉnh, đảm bảo năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững gắn liền với các trung tâm đô thị, đặc biệt trong việc hình thành các cực phát triển phía Đông của tỉnh; phát triển các trung tâm đô thị vùng trung du và miền núi, nhằm thu hút lao động, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm sự chênh lệch vùng miền.
Thứ hai, khai thác tối đa các cơ hội từ sự liên kết phát triển của vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và các xu hướng phát triển kinh tế trong nước, thế giới; đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng khung với đầy đủ các hạ tầng sân bay, cảng biển; kết nối đồng bộ giữa các cụm công nghiệp, các trung tâm đô thị và vùng nguyên liệu để hướng tới phát triển công nghiệp bền vững. Tiếp tục xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất. Lấy cơ chế mở làm tư tưởng đột phá xuyên suốt và được xem xét điều chỉnh thích ứng với thị trường toàn cầu. Có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thực sự thông thoáng, vượt trội, hấp dẫn và được hưởng những cơ chế đặc thù nhằm huy động tổng hợp các nguồn lực, thu hút được các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia trong và ngoài nước phát triển sản xuất, kinh doanh, đưa Khu kinh tế mở Chu Lai trở thành đầu tàu thúc đẩy sự phát triển tỉnh Quảng Nam và động lực kết nối phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thứ ba, phát huy tiềm năng giá trị các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, thông qua liên kết đô thị - nông thôn, liên kết sản phẩm du lịch vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Thứ tư, lồng ghép quản lý các vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, đặc biệt trong phát triển hạ tầng công nghiệp, dịch vụ du lịch.
Thứ năm, cơ cấu, sắp xếp lại quy hoạch dân cư gắn với phát triển nông nghiệp nông thôn và làng nghề, tăng cường kết nối toàn diện giữa các vùng - miền, giữa đô thị - nông thôn; khai thác tiềm lực của cả đô thị và nông thôn, tạo ra một mối quan hệ tương hỗ trong phát triển theo hướng bền vững và cân bằng xã hội, mà trên hết là nâng cao năng suất, tạo giá trị gia tăng, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững.
Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tinh giản các thủ tục hành chính ở tất cả các cấp theo các quy trình thống nhất, minh bạch, tăng cường năng lực cạnh tranh cho tỉnh.
Tập trung phát triển công nghiệp - xây dựng
Về công nghiệp, xây dựng, Quảng Nam phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 tập trung mọi nguồn lực phát triển công nghiệp - xây dựng với nhịp độ cao và bền vững tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, phấn đấu tốc độ tăng GRDP ngành công nghiệp - xây dựng bình quân hàng năm ở khoảng 13,2%. Giai đoạn 2021 - 2025 giữ vững sự ổn định trong phát triển, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 12,7%; chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, không để xung đột các mục tiêu giữa phát triển công nghiệp và du lịch, không thực hiện những dự án có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới môi trường. Tiếp tục rà soát, có cơ chế chính sách khuyến khích hơn nữa trong thu hút đầu tư, nhất là các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao vào các khu công nghiệp của tỉnh.
Nhanh chóng xây dựng và hoàn chỉnh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kết hợp với khu đô thị dịch vụ công nghiệp và kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển công nghiệp theo vùng.
Vùng Đông, tiếp tục xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình Khu kinh tế tổng hợp với đầy đủ hạ tầng sân bay, cảng biển, bao gồm các khu công nghiệp, khu chế xuất,... Phát triển ngành công nghiệp cơ khí, trong đó lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm trung tâm, kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cơ khí, điện tử, công nghiệp có kỹ thuật cao. Triển khai dự án khí, điện và các ngành công nghiệp sau khí liên quan; đồng thời phát triển các khu đô thị, văn phòng, khu du lịch, dịch vụ chất lượng cao, phát triển các dịch vụ vận tải hàng hoá, hành khách quốc tế, dịch vụ thương mại. Huy động đầu tư nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp: Bắc Chu Lai, Tam Hiệp, Cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, Tam Thăng, Tam Anh; Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Thuận Yên, Phú Xuân.
Vùng Tây, thúc đẩy xây dựng hoàn thành các nhà máy thủy điện theo quy hoạch. Từng bước hỗ trợ vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đào tạo lao động, phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng,... gắn với việc quy hoạch vùng nguyên liệu, gắn với thị trường và liên kết phát triển.
Tạo chuỗi liên kết du lịch với các tỉnh
Về thương mại, dịch vụ và du lịch, Quảng Nam phấn đấu tốc độ tăng GRDP ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 12,3%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 11,4%/năm.
Đẩy mạnh phát triển các ngành thương mại - dịch vụ đúng với tiềm năng đáp ứng nhu cầu đa dạng trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế, mở rộng thị trường. Nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm phục vụ du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, vận tải, bưu chính, viễn thông; xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại các khu vực đô thị và hệ thống chợ ở khu vực nông thôn, miền núi để tạo điều kiện lưu thông, tiêu thụ hàng hoá nông, thủy, hải sản của nhân dân.
Tiếp tục phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỉnh Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực Duyên hải miền Trung và cả nước. Mở rộng, nâng cấp hạ tầng các khu du lịch đã có, nhất là tại các khu vực Hội An, Mỹ Sơn, ven biển; đồng thời, mở rộng không gian du lịch về phía Nam và phía Tây của tỉnh. Tạo chuỗi liên kết du lịch với các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và các trung tâm du lịch lớn của cả nước. Phấn đấu thu hút lượng khách trong và ngoài nước đến tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 đạt khoảng 8 triệu lượt khách (trong đó, khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 50%). Trong giai đoạn đến năm 2020 xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án du lịch lớn làm động lực phát triển dịch vụ du lịch: Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; Khu đô thị - du lịch sinh thái ven sông Cổ Cò thị xã Điện Bàn; Khu phức hợp Thương mại - Khách sạn - Vui chơi giải trí thành phố Tam Kỳ;...