Theo Bộ Công Thương, đến nay cả nước có 358 doanh nghiệp (DN) sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 50 DN lắp ráp ô tô, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô… Đây là con số khiêm tốn so với các nước trong khu vực ASEAN như: Malaysia, Thái Lan…
Đối với chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hoá cao, đáp ứng về cơ bản (xe tải 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu với tỷ lệ nội điạ hoá trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, một số loại xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu tỷ lệ nội địa hoá đạt từ 45% đến 55%).
Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đạt thấp, hiện mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%. Trong đó, Công ty CP Ô tô Trường Hải đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.
“Phần lớn phụ tùng và linh kiện đều phải nhập khẩu. Năm 2014 nhập khẩu 2,2 tỷ USD; năm 2015 nhập khẩu 3 tỷ USD, năm 2016 nhập khẩu 3,5 tỷ USD và năm 2017 nhập khẩu 3,167 tỷ USD”, đại diện Bộ Công Thương cho biết. Trên thực tế, số DN trong nước có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất, lắp ráp ô tô là rất ít.
Hội thảo nhằm cập nhật, đánh giá tác động của các chính sách hiện hành đến phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; thảo luận những rào cản hiện nay đối với các DN sản xuất linh, phụ kiện; từ đó đề xuất các giải pháp để tạo động lực cho DN, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược Công nghiệp hóa.