Bộ Tài chính vừa công bố số liệu cập nhật tình hình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2019 và lũy kế từ năm 2016 đến nay.
Cụ thể, về tình hình thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong nửa đầu năm 2019, mới chỉ có 9 doanh nghiệp trên tổng số 62 doanh nghiệp thuộc danh mục đã thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng.
Trong đó, Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng.
Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II/2019, thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.
Liên quan tình hình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg, lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II/2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng, trong đó bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco.
Về tình hình thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo Đề án cơ cấu lại, 6 tháng đầu năm 2019, đã thoái 1.333 tỷ đồng và thu về 2.174 tỷ đồng, trong đó Viettel thực hiện thoái 1.290 tỷ đồng tại Tổng công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam, thu về 2.002 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn tại 5 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 36 tỷ đồng, thu về 166 tỷ đồng.
Tính lũy kế từ năm 2016 đến hết quý II/2019, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 15.821 tỷ đồng, thu về 50.630 tỷ đồng, trong đó thoái vốn tại các lĩnh vực nhạy cảm 4.617 tỷ đồng, thu về 5.888 tỷ đồng, Thoái vốn tại các lĩnh vực khác 4.917 tỷ đồng, thu về 8.807 tỷ đồng; SCIC thực hiện thoái vốn với giá trị 6.286 tỷ đồng, thu về 35.933 tỷ đồng.
Như vậy, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, ước thoái vốn 2.092 tỷ đồng, thu về 3.831 tỷ đồng. Tính chung lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết quý II/2019 đạt 24.157 tỷ đồng, thu về 169.787 tỷ đồng.