Ngôi làng Donawitz đã từng là một trung tâm luyện kim từ những năm 1400 của Áo. Qua nhiều thế kỷ, nơi đây dần phát triển thành một trung tâm luyện thép lớn nhất châu Âu từ đầu thế kỷ 20.
Ngành thép ngày càng khẳng định vị thế và có triển vọng khi Tập đoàn thép Voestalpine AG tiếp tục mở thêm một nhà máy mới trong năm nay tại Donawitz.
Trong khi khoảng 300 công nhân khác ở Donawitz đảm trách việc vận chuyển hàng, vận hành hệ thống đường sắt nội bộ... thì bản thân nhà máy thép lại chỉ cần hơn chục người để vận hành. Cụ thể, nhà máy có 14 nhân viên nhưng làm ra nửa triệu tấn thép mỗi năm, tương đương với năng suất của 1.000 nhân công trong những năm 1960.
Ba kỹ thuật viên ngồi trong "buồng lái" trên cao, công việc chính của họ là giám sát nhiệt độ và áp suất. Họ được đào tạo trong suốt 3 tháng để làm công việc này, từ kiểm soát hệ thống tới đọc hiểu dữ liệu. Những nhân viên khác có nhiệm vụ bảo dưỡng thiết bị và sửa chữa dây dẫn.
Bên trong nhà máy, kim loại được nung đỏ bằng dây chuyền nung thép dài 700 m, nhưng sàn nhà máy sạch bóng, gần như không có tiếng ồn, khói bụi. Toàn bộ nhà máy được vận hành bằng máy móc tự động, do 3 nhân viên điều khiển thông qua hệ thống máy tính trung tâm.
“Đã qua rồi thời công nhân phải làm việc bên cạnh những lò nung nóng nực và nguy hiểm. Về lâu dài tất cả sẽ được tự động hoá,” Wolfgang Eder - CEO Voestalpine khẳng định.
Toàn bộ nhà máy được tự động hoá, do 3 kỹ sư điều khiển thông qua hệ thống máy tính trung tâm.Ảnh: Bloomberg
Từ lâu Tập đoàn Voestalpine đã nhận định mình không thể cạnh tranh về thép khối với những "ông lớn" trong ngành, như ArcelorMittal (Luxembourg), Nippon (Nhật) hay Posco (Hàn), chưa kể tới những nhà máy chi phí thấp tại Trung Quốc. Vì thế ban quản trị tập đoàn chọn phát triển sản phẩm đem lại lợi nhuận cao như thép dây. Hướng đi này, cùng với việc tự động hoá tối đa máy móc, thiết bị đã giúp các nhà máy của Voestalpine giảm tối đa lao động chân tay, ngược lại thu hút kỹ sư có chuyên môn, kỹ thuật.
Sự thay đổi này xuất hiện khi ý nghĩa chính trị của ngành thép ngày một tăng. Pháp và Anh đang cân nhắc quốc hữu hoá để cứu các nhà máy khỏi đóng cửa, trong khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump lại coi "thép như biểu tượng của sức mạnh công nghiệp và nguồn việc làm cho lao động chân tay". Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành lại cho rằng không hoàn toàn đơn giản như vậy.
“Thép sẽ tạo ra việc làm, nhưng không nhiều như kỳ vọng của Chính phủ Mỹ. Sẽ phải mất nhiều thời gian để mọi người nhận ra điều này”, Edwin Basson - Giám đốc Hiệp hội thép thế giới nhìn nhận.
Hơn 20 năm qua, số giờ làm ra một tấn thép đã giảm từ 700 xuống còn 250 giờ, với những tiến bộ về công nghệ như đúc thép gần giống hình dạng của thành phẩm. Từ năm 2008 đến 2015, số lao động trong ngành này tại châu Âu đã giảm 20%, xuống còn 320.000 người. CEO của Tập đoàn Voestalpine dự đoán con số này sẽ tiếp tục giảm thêm 20% trong thập kỷ tới.
Khu nhà xưởng của nhà máy sản xuất thép thuộc Tập đoàn Voestalpine sạch bong.Ảnh: Bloomberg
Và trong thập kỷ tiếp theo, tập đoàn này cũng lên kế hoạch sẽ hiện đại hoá 5 cơ sở sản xuất thép của mình tại Donawitz và Linz, hiện đang có 2.700 nhân công. Tập đoàn Voestalpine cho biết toàn bộ quy trình sản xuất sẽ được tự động hoá, tạo ra môi trường làm việc sạch và an toàn hơn cho nhân viên.
"Điều tích cực là, những công việc tồn tại trong thời gian dài sẽ thực sự hấp dẫn", CEO của Voestalpine hứa hẹn.