Ảnh Internet |
Đã có nhiều chuyển biến tích cực
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính cho đến nay, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thực hiện ký cam kết như nhiệm vụ được giao đúng thời hạn. Bên cạnh những nội dung cam kết trong Nghị quyết 35, các địa phương còn có những cam kết lượng hóa cụ thể như chỉ tiêu phát triển DN đến năm 2020, các chỉ tiêu về cải cách hành chính trong các lĩnh vực cụ thể như: thời gian đăng ký thành lập DN, thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, thủ tục thuế, hải quan, áp dụng áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI… Trong đó, các chỉ tiêu về thủ tục thời gian được cam kết giảm từ 30 - 50% so với hiện nay.
Cam kết là một chuyện, còn hành động và kết quả thực hiện ra sao lại là chuyện mà cộng đồng DN quan tâm hơn.
Theo đánh giá của VCCI, thực tế triển khai Nghị quyết 35 đã cho thấy một chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt về lề lối, tác phong, thái độ phục vụ. Công tác phát triển DN, thu hút đầu tư đã được các địa phương quan tâm. Hoạt động hỗ trợ DN như đào tạo, xúc tiến thương mại, bảo lãnh tín dụng, vườn ươm DN… được triển khai và nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng DN. Riêng chỉ tiêu phát triển DN, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã đăng ký phát triển đạt số lượng 1.469.070 DN đến năm 2020.
Công tác cải cách thủ tục hành chính của nhiều địa phương đã đạt được kết quả tốt, một số thủ tục hành chính vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 19/NQ-CP và cam kết đã được ký kết. Chẳng hạn như, theo khảo sát của VCCI, thời gian thành lập DN tại đa số các tỉnh là 2 ngày (giảm 1 ngày so với cam kết), thậm chí có tỉnh chỉ có 1,5 - 1,84 ngày như: Đồng Nai (1,84), Lai Châu (1,5), Hậu Giang (1,5), Hà Tĩnh (1,66)… Thời gian thông quan hàng hóa đã được cải thiện đáng kể với đa số các tỉnh đều đạt chỉ tiêu Nghị quyết 19 và cam kết đã đề ra như: thời gian qua biên giới đối với hàng xuất khẩu là dưới 10 ngày; hàng nhập khẩu dưới 12 ngày, trong đó có nhiều tỉnh vượt chỉ tiêu ở mức cao như Quảng Ninh (21 giờ 34 phút 12 giây đối với hàng xuất khẩu và 39 giờ 45 phút 12 giây đối với hàng nhập khẩu), Hà Tĩnh (4 ngày 12h đối với hàng nhập khẩu và đạt 1 ngày 12 giờ 52 phút đối với hàng xuất khẩu)…
Mô hình Trung tâm hành chính công được nhiều tỉnh/thành phố tổ chức nhằm giảm thiểu thời gian đi lại và sự phiền hà cho người dân và DN. Có tỉnh như Quảng Ninh đã xây dựng Trung tâm hành chính công đến cấp huyện. Ngoài ra, tất cả các địa phương đều triển khai cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN.
Các tỉnh/thành phố đều tích cực triển khai thực hiện kê khai nộp thuế điện tử (đa số đạt từ 96 - 100%), nhất là ở các địa phương như Đồng Nai, Quảng Trị, Gia Lai (đạt 100%), Bình Thuận (99,84%), TP.HCM (99,37%), Cần Thơ (99,51%), Hưng Yên (99,6%), Hà Tĩnh (99%)...
Việc tổ chức đối thoại giữa các cấp chính quyền với DN được đa số các địa phương quan tâm. Nhiều địa phương đã có nhiều sáng tạo trong tổ chức đối thoại với DN như: tổ chức đối thoại theo loại hình DN (DN nhỏ, DN FDI theo từng nước), đối thoại trên truyền hình… Đặc biệt mô hình “cà phê doanh nhân” được nhiều tỉnh, thành quan tâm tổ chức nhằm tạo không khí thân thiện giữa chính quyền và DN trong đối thoại và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.
DN vẫn còn than phiền về thủ tục hành chính
Tuy nhiên, VCCI cho biết, theo phản ánh của DN, những kết quả cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của DN, nhà đầu tư. Tình hình gây phiền hà, những nhiễu còn diễn ra, gây bức xúc cho DN. Tình trạng DN than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho DN vẫn còn nhiều. Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Việc DN một năm phải tiếp 6 - 7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức. Mặt khác, nhiều DN có ý kiến về công tác đối chiếu thuế, lỗi do phần mềm thuế cập nhật chậm dẫn đến tình trạng DN đã đóng thuế nhưng vẫn bị thông báo là nợ thuế.
Mặt khác, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giải quyết thủ tục hành chính cho DN, nhà đầu tư có trình độ, năng lực còn hạn chế. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin ở mức 3, mức 4 trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực liên quan đến DN còn chậm. Số lượng các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 còn rất ít. Các cơ quan chức năng của địa phương như: các sở, ban ngành tỉnh, UBND các cấp chưa chủ động rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN nên chưa đề ra được các giải pháp cụ thể, kịp thời để hỗ trợ DN.
Việc trả lời kiến nghị của doanh nghiệp chưa kịp thời và thiếu cụ thể, theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, là một trong những nguyên nhân chính khiến DN không mấy ”mặn mà” với việc sử dụng công cụ hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của các địa phương và các đơn vị trực thuộc địa phương khi có vướng mắc, khó khăn. Một số DN khác vẫn có thói quen xử lý các khó khăn, vướng mắc theo con đường phi chính thức, dựa vào quan hệ. Ngoài ra, nguyên nhân còn do công nghệ của các cổng thông tin còn lạc hậu; một số trang thông tin được thành lập chỉ mang tính hình thức, không cập nhật, thông tin nghèo nàn...