Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về địa chất và khoáng sản trong phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.
Tổng cục có nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chiến lược khoáng sản; quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, cơ chế, chính sách về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, địa chất công trình, địa chất thủy văn, địa chất tai biến, di sản địa chất, công viên địa chất.
Ngoài ra, Tổng cục có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; khoanh định, công bố loại khoáng sản, vị trí, tọa độ, diện tích điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thuộc diện khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia...
Về công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, Tổng cục có nhiệm vụ tổ chức thẩm định và phê duyệt theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường các đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản do các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư; các đề án về địa chất công trình, địa chất thủy văn, địa chất tai biến, di sản địa chất, bảo tồn địa chất và mạng lưới công viên địa chất.
Thực hiện việc đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; đăng ký hoạt động điều tra di sản địa chất, công viên địa chất theo quy định; quy định, hướng dẫn lập hồ sơ, tổ chức thẩm định và đề nghị công nhận danh hiệu Di sản địa chất và Công viên địa chất cấp quốc gia.
Về kinh tế địa chất và khoáng sản, Tổng cục có nhiệm vụ xây dựng phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản hoàn trả, phương thức hoàn trả.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tổng hợp, theo dõi công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở các địa phương.
Cơ cấu tổ chức
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản có 25 đơn vị: 1- Vụ Địa chất; 2- Vụ Khoáng sản; 3- Vụ Chính sách và Pháp chế; 4- Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; 5- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 6- Vụ Tổ chức cán bộ; 7- Văn phòng Tổng cục; 8- Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản; 9- Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc; 10- Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Trung; 11- Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam; 12- Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc; 13- Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam; 14- Liên đoàn Địa chất Đông Bắc; 15- Liên đoàn Địa chất Tây Bắc; 16- Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ; 17- Liên đoàn Địa chất Trung Trung Bộ; 18- Liên đoàn Địa chất Xạ-Hiếm; 19- Liên đoàn Vật lý Địa chất; 20- Liên đoàn INTERGEO; 21- Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển; 22- Trung tâm Kiểm định địa chất; 23- Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất; 24- Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Tạp chí địa chất; 25- Bảo tàng Địa chất.
Các tổ chức quy định 1 đến 11 nêu trên là các tổ chức giúp việc Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức từ 12 đến 25 là các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục.
Văn phòng Tổng cục có 4 phòng; Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản có 3 phòng; Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc có 3 phòng; Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Trung có 3 phòng; Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam có 3 phòng.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản có Tổng cục trưởng và không quá 04 Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.