Triều Tiên đã phóng thử đồng thời 4 tên lửa trong cuộc thử nghiệm hồi đầu tháng Ba, 3 trong số đó rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. (Ảnh: Rodong Sinmun) |
Triều Tiên là mối đe dọa với Nhật Bản trong nhiều thập niên qua, và có thêm một vấn đề là Tokyo không có giải pháp nào hoàn hảo.
Vấn đề Triều Tiên quan trọng tới nỗi nó là một lý do khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bay tới New York chỉ ít ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái để tìm kiếm sự đảm bảo đối với liên minh quốc phòng Mỹ-Nhật.
Những lo ngại của ông Abe không phải là không có cơ sở. Các tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên thường xuyên rơi xuống gần Nhật Bản. Gần đây, vào ngày 6/3, Triều Tiên đã phóng cùng lúc 4 tên lửa tầm trung ra vùng biển ngoài khơi Nhật Bản, 3 trong số đó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế nước này và cách thành phố Oga của Nhật chưa đầy 200 hải lý.
Không lâu sau đó, thành phố Oga đã tổ chức cuộc diễn tập sơ tán đầu tiên tại Nhật để chuẩn bị cho nguy cơ các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong tương lai.
Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi đầu tuần này, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tái khẳng định với Thủ tướng Abe rằng Mỹ sát cánh “100%” với Nhật Bản về vấn đề Triều Tiên.
Các nhà phân tích cho biết với CNN rằng các nghị sĩ Nhật đã thảo luận 3 phương án để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, nhưng không phương án nào được xem là hoàn hảo.
Tăng cường quân đội
Nhật Bản đã dựa vào sự hiện diện quân sự của Mỹ trong nhiều thập niên qua, nhưng nước này cũng đang cân nhắc đưa lực lượng phòng vệ (SDF) vào thế chủ động hơn nhằm giúp đối phó với các mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng từ Triều Tiên.
Trong hiến pháp hậu Thế chiến II, Nhật Bản đã cam kết không bao giờ duy trì “hải, lục không quân và các tiềm năng chiến tranh khác”. Tuy nhiên, vào năm 2015, Thượng viện Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép quân đội nước này tham gia vào các hoạt động chiến đấu ở nước ngoài trong các trường hợp hạn chế, nhằm mở rộng vai trò của SDF nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên.
Tại một phiên họp quốc hội ở Tokyo hồi tuần trước, Thủ tướng Abe nói rằng Triều Tiên có thể có khả năng phóng tên lửa trang bị đầu đạn chứa chất độc thần kinh sarin. Các nhà phân tích cho rằng những bình luận này mang động cơ chính trị và rằng ông Abe đang tìm kiếm sự ủng hộ trong nước nhằm lên kế hoạch các phương án quân sự.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu Thủ tướng Abe đưa ra đề xuất về các phương án quân sự, động thái này có thể vấp phải sự phản đối ở trong nước. Ngoài ra, Trung Quốc và Hàn Quốc dự kiến cũng phản đối do lo ngại quá khứ quân phiệt của Nhật.
Đề nghị Mỹ triển khai THAAD?
Nhật Bản có hệ thống phòng thủ tên lửa riêng, SM-3 và Patriot PAC-3, và gần đây đã diễn tập cách thức phối hợp 3 bên với Mỹ và Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa. Nhưng một số người tại Nhật Bản đang kêu gọi Mỹ triển khai Hệ thống phòng tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada, người trước đó nói rằng Tokyo đang cân nhắc đề nghị triển khai hệ thống THAAD, đã tới đảo Guam của Mỹ để tham quan Aegis Ashore, phiên bản phòng thủ tên lửa đạn đạo trên đất liền của các tên lửa đánh chặn SM-3 mà Nhật Bản đã triển khai cho các tàu khu trục Aegis.
“Tôi cho rằng triển khai THAAD hay Aegis Ashore tới Nhật Bản sẽ có ý nghĩa”, Adam Mount, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm tiến bộ Mỹ. “Ý nghĩa là nó có thể triệt tiêu ý nghĩ của Triều Tiên rằng nước này có thể tiến hành các cuộc tấn công tên lửa có giới hạn nhằm chống lại Nhật Bản để cố gắng và làm chia rẽ các đối thủ trong một cuộc khủng hoảng”.
Tuy nhiên, việc triển khai THAAD tại Nhật Bản có thể khiến Trung Quốc “nổi giận”. Sau khi THAAD được triển khai tại Hàn Quốc, Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp kinh tế như đóng cửa các cửa hàng của hãng Lotte, một tập đoàn của Hàn Quốc đã đồng ý nhường đất sân golf cho việc triển khai THAAD, cấm du khách tới Hàn Quốc và kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc.
Các chuyên gia cho rằng dù THAAD không mang các đầu đạn nhưng nó có các radar loại mạnh, có thể được dùng để theo dõi các hệ thống tên lửa của Trung Quốc, giúp Mỹ có lợi thế trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc đối đầu nào với Bắc Kinh.
“Nhật Bản và Trung Quốc là các đối thủ chiến lược”, Mike Chinoy, nhà nghiên cứu tại Viện Mỹ-Trung thuộc Đại học Nam California, nhận định. “Nếu Trung Quốc lo ngại về việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc thì họ cũng nổi giận nếu Nhật Bản có THAAD”.
Tìm kiếm giải pháp ngoại giao
Trong chuyến thăm tới Nhật Bản mới đây, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng các nỗ lực ngoại giao đối với Triều Tiên không có tác dụng. Nhưng các nhà phân tích cho rằng Nhật Bản cũng không ủng hộ Mỹ có hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên.
“Các động thái leo thang là rất nghiêm trọng với Nhật Bản, quốc gia dự kiến sẽ vướng vào tâm của xung đột, do nguy cơ một cuộc xung đột với Trung Quốc xảy ra ngay tức thì”, Corey Wallace, nhà phân tích an ninh tại Đại học Freie ở Berlin, nhận định.
Mục tiêu của Nhật Bản xưa nay luôn là phi hạt nhân hóa bản đảo Triều Tiên.Tuy nhiên, các chuyên gia Nhật giờ đây đang nhận thấy rằng mục tiêu này là khó thành hiện thực.
“Rõ ràng đây là một mục tiêu phi thực tế, và các nghị sĩ Nhật Bản dường như ngày càng hiểu rằng Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân”, chuyên gia Wallace nói.