Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty) |
Ba tháng kể từ khi nhậm chức, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa chính phủ do những bất đồng về dự thảo chi tiêu ngân sách cho phần còn lại của năm tài khóa 2017 kết thúc vào tháng 9 năm nay. Sức ép càng lớn khi Nhà Trắng muốn dự thảo ngân sách chi tiêu phải bao gồm cả ngân sách dành cho việc xây tường ở biên giới theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump.
Hồi tháng 12 năm ngoái, các nhà làm luật của Mỹ đã thông qua một dự luật chi tiêu, gia hạn chi tiêu cho các cơ quan chính phủ đến hết ngày 28/4/2017. Hiện giờ, các nhà làm luật phải chạy đua với thời gian để đạt được thỏa thuận lưỡng đảng về dự thảo chi tiêu cho hoạt động của chính phủ đến hết năm tài khóa 2017. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, các cơ quan chính phủ của Mỹ sẽ phải tạm đóng cửa sau ngày 28/4, một kịch bản từng xảy ra trước đây.
Hiện tại đàm phán ngân sách đang rơi vào bế tắc do bất đồng về đề xuất của mỗi bên.
Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Mick Mulvaney trả lời trong cuộc phỏng vấn với AP rằng ngân sách cho xây tường ngăn ở biên giới giữa Mỹ và Mexico cũng như ngân sách cho các cơ quan quản lý nhập cư là những ưu tiên hàng đầu của chính quyền. “Chúng tôi biết, rất nhiều người trong Quốc hội, đặc biệt là phe Dân chủ không thích bức tường này, nhưng họ đã thất bại trong cuộc bầu cử. Và tôi nghĩ Tổng thống ít nhất có cơ hội dành ngân sách cho một trong những ưu tiên cao nhất của mình trong dự thảo chi tiêu ngân sách đầu tiên trong nhiệm kỳ”, ông Mulvaney nói.
Báo cáo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ hồi tháng 2 cho biết, bức tường ngăn biên giới Mỹ - Mexico nếu được triển khai sẽ tiêu tốn khoảng 21,6 tỷ USD và mất khoảng 3 năm xây dựng. Con số này cao hơn nhiều so với ước tính 12 tỷ USD mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Trong khi đó, các nhà làm luật Dân chủ đề nghị dự thảo ngân sách phải bao gồm hàng tỷ USD cho Obamacare - chương trình chăm sóc y tế từ chính quyền tiền nhiệm. Nếu đề xuất này không đáp ứng, họ sẽ không thông qua dự luật chi tiêu mới, USA Today cho biết.
Các nhà quan sát cho rằng, có thể cuối cùng các bên sẽ dùng tới giải pháp gia hạn chi tiêu hoạt động của chính phủ thêm vài ngày hoặc vài tuần sau hạn chót 28/4 để có thêm thời gian thương thảo.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ đóng cửa. Gần đây nhất, vào năm 2013, chính phủ dưới thời Tổng thống Barack Obama đã phải đóng cửa tạm thời trong vài ngày. Năm 1996, chính phủ Mỹ đóng cửa lâu nhất - lên tới 21 ngày.