Thay vì tổ chức khoảng 4.000 cuộc thầu nhỏ lẻ, việc gom thành 4 - 5 đợt mua sắm tập trung giúp tiết kiệm nhiều chi phí cho Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam |
Ông Hoàng Tuân – Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và thông tin, tư vấn tài chính (đơn vị MSTT của TP. Hà Nội) thuộc Sở Tài chính TP. Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu xung quanh vấn đề MSTT.
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc tổ chức MSTT tại Hà Nội trong thời gian qua?
Theo nhiều ý kiến đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước về việc tổ chức đấu thầu MSTT với danh mục nhiều, số lượng lớn, giá trị lớn.
Trong giai đoạn đầu mới triển khai thực hiện, Hà Nội có gặp một số khó khăn. Nhưng đến nay, hoạt động MSTT trên địa bàn Thành phố dần đi vào nề nếp, nhiều đơn vị thụ hưởng đã bắt đầu quen với quy trình mua sắm này. Thậm chí là ưa thích và hào hứng cách hình thức này hơn so với tổ chức đấu thầu đơn lẻ. Chẳng hạn như, một số bệnh viện muốn đẩy bớt việc MSTT thiết bị văn phòng cho Trung tâm để dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn.
Nhìn chung, việc mua sắm hiện nay không tốn nhiều thời gian như trước. Quy trình đăng ký nhu cầu mua sắm đã được cải tiến rất nhiều, chủ yếu thực hiện qua phần mềm, thao tác qua Internet... nên công việc nhàn hơn nhiều so với thời gian đầu. Giá cả hàng hóa được đưa về cùng một mặt bằng, thống nhất thông số kỹ thuật và quy chuẩn chung, đảm bảo thấp hơn mức giá chung. MSTT còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa về tiết kiệm thời gian, chi phí...
Nếu tính mỗi năm, tương ứng với 4.000 đơn vị tổ chức khoảng 4.000 cuộc thầu quy mô nhỏ, chưa kể mỗi đơn vị có vài đợt mua sắm mỗi năm, nhân lên thì sẽ tốn biết bao nhiêu thời gian, chi phí, nhân lực... Thay vì như vậy, nay chỉ còn 4 - 5 đợt sẽ tiết kiệm được rất nhiều, từ những cái rất nhỏ như văn phòng phẩm...
Mô hình của Hà Nội đã được nhiều địa phương bình chọn là hình mẫu để đến học hỏi kinh nghiệm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM...; hay các bộ, ngành ở cấp Trung ương như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...
Đầu năm, các gói thầu thường thu hút nhiều nhà thầu tham gia hơn, có tới 4 - 5 nhà thầu nộp HSDT tại mỗi gói thầu. Riêng vào đợt cuối năm, số lượng nhà thầu có giảm hơn, chỉ có 3 nhà thầu tham gia. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể là do quy mô của các gói thầu bé hơn.
Mặt khác, để tạo sự cạnh tranh giữa các nhà thầu, HSMT được xây dựng theo các barem chấm điểm năng lực nhà thầu rất chặt chẽ. Nếu nhà thầu bị phản ánh, có “vệt đen” sẽ bị cân nhắc khi đánh giá về năng lực. Cho đến nay, về cơ bản, các nhà thầu đã thực hiện rất nghiêm túc, với mong muốn tạo dựng uy tín để lấy năng lực tham dự ở các gói thầu sau, hay tại các địa phương khác.
Có ý kiến cho rằng, MSTT thường bị chậm. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này?
Trong thời gian đầu, vào năm 2017, đúng là có hiện tượng một số đơn vị “kêu” chậm. Lý do là vì cả năm chỉ thực hiện 1 đợt MSTT. Rút kinh nghiệm, năm nay, Trung tâm chia làm 4 đợt đấu thầu MSTT. Mặt khác, HSMT còn yêu cầu các nhà thầu trúng thầu cử đại diện cắm chốt cơ sở bảo hành theo khu vực để khi có yêu cầu thì chỉ trong vòng vài tiếng là có thể đáp ứng, cung cấp được ngay. Do vậy, tính đến thời điểm này, chưa có đơn vị nào “kêu” chậm nữa.
Về tình hình thực hiện hợp đồng đã ký kết với nhà thầu, năm 2017 có hiện tượng một số đơn vị “mua mắm chuyển sang mua tương”. Tức là lúc đầu đăng ký mua 100 máy tính, nhưng thực tế chỉ mua khoảng 90 cái, số tiền còn lại chuyển sang sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, năm nay, UBND Thành phố đã quán triệt với tất cả các đơn vị là phải dùng hết số lượng hàng hóa đã dự toán MSTT. Theo tổng hợp sơ bộ, đến nay, số lượng hàng hóa MSTT đã cơ bản được dùng hết. Hiện có rải rác một vài đơn vị chưa sử dụng vì thiết bị phải chờ sử dụng theo công trình. Chẳng hạn như bàn ghế học sinh, đăng ký là đưa vào sử dụng vào dịp khai giảng đầu năm học mới, nhưng đến thời điểm này công trình mới đưa vào vận hành nên thời gian sử dụng bị lùi lại một chút.
Trong quá trình triển khai, Trung tâm thường xuyên xin ý kiến của các bên liên quan để tham vấn về chuyên môn, kỹ thuật cũng như các bước giá, cả cận trên và cận dưới. Ví dụ như để ra được 21.000 danh mục vật tư y tế, sau đó cô đọng lại thành 5.000 nhóm danh mục vật tư, rồi đưa về 14 chủng loại vật tư theo dòng như găng tay cao su mổ, giường sắt cho bệnh nhân, cáng cứu thương... là cực kỳ vất vả, có ý kiến thẩm định của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế thuộc Bộ Y tế, các đơn vị tư vấn chuyên môn để đưa ra mức giá chuẩn...