Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/4 tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc tăng cường quyền hạn cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Nếu thành công, nó sẽ chuyển hệ thống nghị viện của nước này thành hệ thống quyền lực tập trung vào tổng thống - tập hợp quyền lực của ba cơ quan lập pháp thành một nhánh điều hành dưới quyền ông Erdogan.
Việc đó sẽ cho phép ông Erdogan bổ nhiệm các bộ trưởng, chuẩn bị ngân sách, lựa chọn phần lớn thẩm phán cấp cao và ban hành một số đạo luật bằng nghị định. Tổng thống có thể tự ban bố tình trạng khẩn cấp và giải tán quốc hội.
Theo CNN, các nhà phê bình gọi động thái này là phi dân chủ và nói rằng nó cho thấy ông Erdogan đang đi theo hướng cai trị kiểu độc tài kể từ sau cuộc đảo chính thất bại 8 tháng trước. Trong khi đó, ông Erdogan và đảng của ông nói rằng những người phản đối trưng cầu dân ý là "những kẻ đã lập kế hoạch đảo chính và khủng bố".
Các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch tham dự các cuộc mít tinh vận động tại một số nước châu Âu bao gồm Hà Lan, Đức và Áo để kêu gọi người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại các quốc gia này biểu quyết đồng ý trong cuộc trưng cầu dân ý.
Có khoảng 4,6 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Tây Âu. Khoảng 500.000 người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ và con cái họ sống ở Hà Lan, đa số họ có quốc tịch kép và có quyền bỏ phiếu ở cả hai quốc gia.
Cuối tuần trước, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu dự kiến tham dự một cuộc mít tinh ở Rotterham nhưng chính phủ Hà Lan đã không cho phép máy bay của ông hạ cánh với lý do an ninh. Hà Lan cũng chặn bộ trưởng các vấn đề gia đình và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam.
Phản ứng
Sau vụ việc, những người biểu tình đã tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Hà Lan ở Istanbul và cờ của Hà Lan bị thay thế bằng cờ của Thổ Nhĩ Kỳ. Lá cờ này sau đó đã được gỡ bỏ.
Cờ Thổ Nhĩ Kỳ lại lãnh sự quán Hà Lan ở Istanbul
Cảnh sát chống bạo động của Hà Lan cũng phải đối phó với hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Erdogan tụ tập trong đêm tại lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tức giận gọi Hà Lan là "tàn quân phát xít" và nói rằng các quốc gia phương Tây "kỳ thị người Hồi giáo". Ông cũng cảnh báo rằng Hà Lan sẽ phải "trả giá" về cách đối xử với các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 11/3, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết ông hiểu sự tức giận của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ông thấy những phát biểu của ông Erdogan rằng Hà Lan là "phát xít" thật "điên rồ" và "vượt khỏi tầm kiểm soát".
Mặc dù nhấn mạnh rằng điều quan trọng là giữ mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ, ông Rutte dường như thể hiện lập trường cứng rắn vào ngày 12/3. Ông nói hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ bị ngăn vào Hà Lan vì Ankara đã đe dọa trừng phạt đối với chính phủ của ông. "Chúng tôi không bao giờ có thể làm việc với kiểu hăm dọa này", ông nói.
Cảnh sát Hà Lan giải tán biểu tình ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Rotterdam
Hà Lan lo ngại về vấn đề an ninh khi vào tuần này họ sẽ bước vào cuộc bầu cử toàn quốc, với hai ứng viên sáng giá là Geert Wilders và đương kim Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Lo ngại về người giáo Hồi giáo nhập cư là một trong những vấn đề trọng tâm.
Ngoài ra, các bộ trưởng Đức cũng tỏ ra cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chính phủ của bà không phản đối các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tham dự các cuộc mít tinh ở Đức miễn là họ được thông báo chính thức, bộ trưởng nội vụ Đức tuyên bố ông phản đối các cuộc tụ họp chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ ở nước mình.
Các chính phủ châu Âu đặc biệt quan tâm đến cam kết của ông Erdogan đối với các quyền tự do cơ bản kể từ sau cuộc đảo chính. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà Báo - tổ chức phi chính phủ quốc gia có trụ sở tại Mỹ, Ankara đã giam nhiều nhà báo hơn bất kỳ nước nào khác vào năm 2016. Ngoài ra, gần 140 cơ quan truyền thông đã bị đóng cửa, hơn 41.000 người bị bắt và khoảng 100.000 công chức bị sa thải.
Cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ
Phương Tây đối mặt với rủi ro nếu khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy bị ghẻ lạnh. Thổ Nhĩ Kỳ nắm trong tay đòn bẩy quan trọng là vai trò trong một thỏa thuận nhập cư Syria, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tái định cư cho người tị nạn Syria để giảm bớt dòng chảy dân di cư vào châu Âu.
Tháng 11, khi Liên minh châu Âu đóng băng đàm phán về việc cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, ông Erdogan đã đe dọa: "Nếu các anh đi quá xa, chúng tôi sẽ để mở biên giới".