Ngành nào hưởng lợi từ đầu tư công?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư công đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các động lực khác như tiêu dùng, xuất nhập khẩu và đầu tư tư nhân gặp khó khăn. Giải ngân đầu tư công tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp, nền kinh tế. Trong đó, ngành vật liệu xây dựng (VLXD), xây dựng hạ tầng được đánh giá hưởng lợi trực tiếp; lĩnh vực bất động sản (BĐS), logistics sẽ gián tiếp hưởng lợi.
Nhóm vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành đá xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng. Ảnh: Nhã Chi
Nhóm vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành đá xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng. Ảnh: Nhã Chi

Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đạt 215,6 nghìn tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong nửa cuối năm, dự kiến giải ngân đầu tư công sẽ tăng trưởng tốt khi các đại dự án hạ tầng đang được đồng loạt khởi công.

Được biết, kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 là 707 nghìn tỷ đồng, cao hơn 22% (tương ứng 127 nghìn tỷ đồng) so với năm 2022. Để hoàn thành 95% - 100% kế hoạch, cần giải ngân gần 500 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm (tương ứng 78 nghìn tỷ đồng mỗi tháng). Đây là khối lượng công việc lớn trong giai đoạn nửa cuối năm.

Sau khi 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được đồng loạt khởi công đầu năm, trong tháng 6, các dự án lớn như Vành đai 3 TP.HCM (tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng) và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội giai đoạn 1 (85.800 tỷ đồng) cũng đã được khởi công. Ngoài ra, một số dự án khác đã được khởi công gần đây như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Cao Lãnh - An Hữu. “Siêu” Dự án sân bay Long Thành cũng được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh thi công từ tháng 8/2023 khi Gói thầu 5.10 xây dựng nhà ga hành khách (quy mô 35.234 tỷ đồng) đang trong giai đoạn chấm thầu.

Trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đánh giá về các lĩnh vực được hưởng lợi từ đầu tư công, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, ngành VLXD và xây dựng hạ tầng sẽ là các nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp, nhóm BĐS và logistics sẽ được hưởng lợi gián tiếp. Trong đó, nhóm VLXD, đặc biệt là ngành đá xây dựng, nhựa đường sẽ được hưởng lợi lớn hơn vì đây là nhóm có biên lợi nhuận tốt hơn nhiều so với ngành xây dựng.

“Trong ngành đá xây dựng, chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, nên các doanh nghiệp có mỏ khai thác gần khu vực dự án sẽ có lợi thế lớn nhất”, ông Minh cho biết thêm.

Các dự án hạ tầng giao thông nổi bật tại miền Nam và ước tính nhu cầu đá xây dựng của từng dự án

Các dự án hạ tầng giao thông nổi bật tại miền Nam và ước tính nhu cầu đá xây dựng của từng dự án

Theo Bộ Giao thông vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP.HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng lần lượt là 18 triệu m3, 4,4 triệu m3 và 3,4 triệu m3.

Báo cáo từ Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho biết, trữ lượng và công suất khai thác đá xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế và cần phải huy động từ các khu vực lân cận. Do đó, những mỏ đá tại 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sẽ được hưởng lợi chính nhờ vị trí thuận lợi và trữ lượng khai thác đá lớn.

Công ty CP Chứng khoán Agribank đánh giá, nhóm xây dựng hạ tầng được hưởng lợi trực tiếp, nhưng rủi ro có thể đến từ tiến độ thanh, quyết toán các dự án chậm. Bên cạnh đó còn có rủi ro từ sự thiếu hụt và biến động giá nguyên vật liệu xây dựng.

Ngoài ra, Công ty CP Chứng khoán Agribank cũng đánh giá ngành BĐS dân dụng, khu công nghiệp, logistics sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi kết cấu hạ tầng được hoàn thiện.

Chuyên đề