Ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi. Ảnh: PV. |
Chị Bích Vân (quận 6, TP HCM) chia sẻ, sau Tết Nguyên đán vợ chồng chị còn khoản tiền thưởng chưa dùng tới, cộng với số tiền mừng tuổi của con tổng cộng là 100 triệu đồng. Vì gia đình không buôn bán gì lại đi làm cả ngày nên quyết định gửi tiết kiệm. "So với trước Tết, hiện lãi ngân hàng vừa cao hơn khoảng 0,5%, lại được tặng quà lì xì đầu năm", chị Vân chia sẻ sau mấy ngày tìm hiểu tại các nhà băng.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam cho rằng trước Tết, một lượng tiền được các công ty rút ra chi lương thưởng, còn người dân thì chi tiêu, mua sắm... "Giờ là giai đoạn các ngân hàng lên những chính sách hấp dẫn về lãi suất, khuyến mại... để hút lại nguồn vốn", ông chia sẻ và cho biết thêm, việc tăng lãi suất cũng là nhằm cân đối lại cơ cấu vốn hợp lý hơn.
Theo đó, trên thị trường đang chứng kiến nhiều ngân hàng công bố tăng lãi suất tiền gửi. Như tại Eximbank, vào ngày đầu tiên hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (tức ngày 21/2), khách hàng gửi tiết kiệm ở đây sẽ nhận mức lãi suất tăng 0,1-0,2% so với trước, tuỳ kỳ hạn. Hiện lãi suất cao nhất của Eximbank là 8% với kỳ hạn 24-36 tháng.
Trước đó, Nam A Bank cũng công bố biểu lãi suất mới với tiền đồng, tăng 0,1-0,2% mỗi năm ở một số kỳ hạn. Thậm chí, khi khách hàng đến quầy gửi số tiền từ 100 triệu đồng trở lên với kỳ hạn trên 6 tháng thì được ngân hàng này cộng thêm 0,5-1% lãi suất so với bảng niêm yết, tuỳ trường hợp.
Tương tự, Techcombank ngay sau Tết Nguyên đán cũng nhích nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 7,1% ở kỳ hạn 18 tháng.
Và theo ghi nhận của VnExpress, đa số các nhà băng nhỏ trong diện tái cơ cấu đang có mức lãi suất huy động cao vượt trội so với các ngân hàng lớn. Cụ thể, với kỳ hạn lãi suất 6 tháng, các ngân hàng như Viet Capital Bank, GPBank, BacA Bank, NCB, DongA Bank… đều có lãi suất từ 7% mỗi năm trở lên, trong khi mức lãi suất của kỳ hạn này ở nhóm ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, VCB, Agribank chỉ 5,1 - 5,3% một năm.
Như vậy, nếu so sánh lãi suất huy động của nhóm ngân hàng nhỏ, đang tái cơ cấu và các ngân hàng lớn hiện chênh lệch 1,9 - 2,6% một năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Bên cạnh việc tăng lãi suất, các nhà băng cũng liên tục tung ra chiến dịch khuyến mại hấp dẫn kèm theo để hút vốn như gửi tiền càng lớn, lãi càng cao; quay số dự thưởng, tặng quà lì xì đầu năm bằng các vật dụng tiêu dùng...
Từ ngày giao dịch 21/2 đến hết 21/04/2018 tại OCB tổng giá trị quà tặng lên đến 4 tỷ đồng gồm hơn 30 lượng vàng SJC, và hàng chục nghìn vòng quay trúng ngay tiền mặt.
Đối với TPBank, khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy hoặc qua eBank có cơ hội nhận lì xì lộc xuân với những mệnh giá mang ý nghĩa tài lộc may mắn, hay Sacombank cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm số tiền từ 100 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng hoặc từ 30 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng trở lên bốc thăm trúng 100% bao lì xì mệnh giá 20.000 đồng, 60.000 đồng, 80.000 đồng...
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc tăng lãi suất này chỉ là cục bộ, tạm thời. Còn hiện nay với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống sẽ tiếp tục ổn định.
Thống đốc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng phổ biến ở mức 0,8-1% một năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-5,5% mỗi năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5% mỗi năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3% một năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5% mỗi năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10% một năm.