Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish, trưởng đoàn quan chức Mỹ tới Bắc Kinh đàm phán thương mại ngày 7-8/1 - Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 7/1 dự báo rằng Washington và Bắc Kinh có thể đạt một thỏa thuận mà "chúng tôi có thể sống chung". Dự báo này được ông Ross đưa ra sau khi quan chức hai nước kết thúc ngày họp đầu tiên ở Bắc Kinh trong vòng đàm phán thương mại song phương đầu tiên của năm 2019.
Trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, ông Ross nói các vấn đề thương mại là dễ giải quyết nhất, trong khi các vấn đề môi trường và cải cách cơ cấu - chẳng hạn về bảo vệ tài sản trí tuệ và quyền tiếp cận thị trường - mới là những điểm hóc búa nhất của đàm phán Mỹ-Trung.
"Tôi cho rằng có một cơ hội rất tốt để chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận hợp lý với Trung Quốc mà chúng tôi có thể sống chung, một thỏa thuận giải quyết được tất cả các vấn đề chính", vị Bộ trưởng nói.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh có thiện chí hợp tác với Mỹ để giải quyết mâu thuẫn thương mại.
Hôm Chủ nhật, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra trôi chảy và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ là một lý do để Bắc Kinh đi đến một thỏa thuân với Washington.
Ông Ross nói đàm phán đang diễn ra ở cấp phù hợp và kết quả của vòng đàm phán đang diễn ra sẽ giúp chính quyền Mỹ quyết định bước đi tiếp theo.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho biết hai bên đã nhất trí tiến hành đối thoại "tích cực và mang tính xây dựng" để giải quyết các mâu thuẫn kinh tế và thương mại, phù hợp với sự đồng thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được ở cuộc gặp thượng đỉnh tại Argentina hồi đầu tháng 12.
"Từ đầu, chúng tôi đã tin rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung không phải là điều tốt đối với cả hai nước và nền kinh tế thế giới. Trung Quốc có thiện chí, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, để giải quyết mâu thuẫn thương mại với Mỹ", ông Lu nói.
Vị phát ngôn viên cũng cho biết Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn sẽ dự chuỗi sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ vào cuối tháng 1 này, nhưng nói rằng ông chưa nghe thông tin gì về kế hoạch cho một cuộc gặp giữa ông Vương với ông Trump tại Davos.
Theo dự kiến, vòng đàm phán bắt đầu vào ngày thứ Hai tại Bắc Kinh sẽ kết thúc vào ngày thứ Ba. Đây chỉ là một cuộc đàm phán cấp thứ trưởng và thị trường không kỳ vọng sẽ có sự đột phá, nhưng giới quan sát đã nhận thấy một tín hiệu tích cực khi Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - cố vấn kinh tế cấp cao nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - bất ngờ ghé vào phòng đàm phán để chào các quan chức Mỹ.
Trước khi vòng đàm phán bắt đầu, chuyên gia về thương mại Tu Xinquan thuộc Trường Kinh tế Quốc tế, Đại học Bắc Kinh, nói với Reuters rằng lần đàm phán này nhiều khả năng sẽ tập trung vào các vấn đề kỹ thuật, và sẽ để dành những bất đồng lớn cho vòng đàm phán của các quan chức cấp cao hơn.
"Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nhanh, và thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang giảm nhanh. Tôi cho rằng hai bên đang cần phải đạt được một dạng thỏa thuận nào đó", ông Tu nói.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng dù Mỹ-Trung có sớm đạt được một thỏa thuận thương mại, thì đó cũng sẽ không phải là một "liều thuốc tiên" đối với nền kinh tế Trung Quốc, và nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ tiếp tục giảm tốc trong những tháng sắp tới.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm Chủ nhật nói rằng tuyên bố của hai bên về hy vọng đạt thỏa thuận là lý do để lạc quan, nhưng Bắc Kinh sẽ không lùi bước trước các yêu sách của Mỹ. "Nếu định giương cờ trắng đầu hàng, thì Trung Quốc đã làm vậy rồi", tờ báo viết.