Mua sắm khí y tế tại các bệnh viện: Tiêu chí lạc hậu cản bước nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, Báo Đấu thầu nhận được phản ánh của nhiều nhà thầu về tình trạng một số bên mời thầu khi xây dựng hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu mua sắm khí y tế (Oxy) cho các cơ sở y tế thường đưa ra yêu cầu buộc nhà thầu phải sử dụng phương pháp kỹ thuật lạc hậu, làm giảm tính cạnh tranh, hạn chế nhà thầu tham dự.
Nhiều cơ sở y tế yêu cầu nhà thầu phải có xe vận chuyển Oxy lỏng có trọng lượng ≤ 21 tấn và ≤ 6 tấn. Ảnh minh họa: Thành Nguyễn
Nhiều cơ sở y tế yêu cầu nhà thầu phải có xe vận chuyển Oxy lỏng có trọng lượng ≤ 21 tấn và ≤ 6 tấn. Ảnh minh họa: Thành Nguyễn

Tại Gói thầu số 3 Khí y tế thuộc Dự án Vật tư sản xuất F18-FDG và khí y tế của Bệnh viện Đà Nẵng năm 2021 (do Công ty TNHH KPG làm đơn vị tư vấn đấu thầu), HSMT yêu cầu: “Xe bồn vận chuyển có thể sang chiết từ bồn trên xe sang bồn cố định tại bệnh viện bằng chênh lệch áp, không dùng phương pháp sang chiết bằng bơm chuyển lỏng thông qua motor điện (có giấy cam kết). Đối với khí lỏng yêu cầu có bồn chứa khí hóa lỏng để nạp lỏng có áp suất làm việc ≥ 21 bar”. HSMT còn yêu cầu: “Nhà thầu phải có xe vận chuyển Oxy lỏng có trọng lượng ≤ 21 tấn và ≤ 6 tấn”.

Trước đó, một số bệnh viện và đơn vị khác cũng đưa ra yêu cầu bắt buộc về tiêu chuẩn cung cấp khí hóa lỏng tương tự, như Bệnh viện Chợ Rẫy (Gói thầu Cung cấp khí y tế sử dụng tại Bệnh viện năm 2021 - 2022), Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Gói thầu Mua sắm khí y tế năm 2020 - 2021), Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng...

Lý giải vì sao đưa ra quy định như trên, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, HSMT được xây dựng trên cơ sở tham khảo các đơn vị khác. Theo bên mời thầu này, việc sử dụng bơm điện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ đến từ việc chập điện gây mất an toàn.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà thầu, sang chiết bằng phương pháp chênh lệch áp rủi ro hơn rất nhiều so với dùng bơm điện. Khi sang chiết bằng phương pháp chênh lệch áp, nhiệt độ bồn chứa bị nóng lên, làm cho Oxy lỏng hóa khí liên tục trong quá trình tồn trữ và gây mất an toàn, nguy cơ cháy nổ cao. Trong khi đó, sử dụng bơm điện chuyển lỏng từ xe bồn đến téc chứa cố định an toàn hơn, giảm thiểu tối đa thất thoát, có lợi hơn cho chủ đầu tư.

Theo một nhà thầu ở Gia Lai, khoảng 95% doanh nghiệp cung cấp khí y tế sử dụng bơm điện. Chi phí để đầu tư thiết bị này là rất cao, khoảng 450 triệu đồng/bơm. “Nếu như phương pháp này không hiệu quả hơn thì việc gì các doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị đắt tiền như vậy?”, nhà thầu này nhấn mạnh.

Đối với yêu cầu phải có bồn chứa khí hóa lỏng để nạp lỏng có áp suất ≥ 21 bar, một nhà thầu khác cho biết, áp suất khí Oxy đưa vào sử dụng dao động trong khoảng 4 - 7 bar, thông thường là 4 - 5 bar (chạy máy thở ECMO). Vì vậy, quá trình sang lỏng chỉ cần téc có áp suất lớn hơn áp suất này là đáp ứng được, khoảng 10,5 bar là phù hợp. Trên thị trường có rất ít doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện này, vì bồn chứa áp suất từ 21 bar trở lên thường chỉ sử dụng cho CO2, ít dùng cho Oxy. Mặt khác, bồn chứa áp suất cao như vậy sẽ làm cho nhiệt độ bồn chứa tăng, trong khi Oxy lỏng lại cần được giữ lạnh, nếu nóng sẽ bị hóa hơi, gây hao hụt khí và có thể dẫn đến rủi ro cháy nổ.

Về yêu cầu xe vận chuyển dưới 6 tấn, một số nhà thầu cho rằng, thay vì một chuyến hàng, thì nhà thầu phải đi tới 4 chuyến, làm tăng thêm chi phí và gây tổn thất nhiều hơn. Thực tế, trên cả nước, hiện chỉ có 1 đến 3 đơn vị có loại xe này.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu ở Bắc Ninh, Gia Lai, TP.HCM cho biết, ngay khi nghiên cứu HSMT của những gói thầu trên, họ đã rút lui, vì biết là không thể đáp ứng các tiêu chí này. Một số nhà thầu đã gửi văn bản đề nghị sửa đổi HSMT nhưng bên mời thầu không tiếp thu.

Theo một chuyên gia đấu thầu, mặc dù không sai, nhưng đưa những tiêu chí như vậy vào HSMT là không khuyến khích nhà thầu sử dụng công nghệ mới ưu việt, hiệu quả hơn. Đồng thời hạn chế nhà thầu tham dự, làm giảm tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế của cuộc thầu.

Chuyên đề