Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet |
Nhưng làm thế nào để khu vực tư nhân ít gian khổ hơn trên con đường ấy, phụ thuộc nhiều vào những giải pháp chính sách cụ thể sẽ được ban hành. Với mục tiêu lớn nhất là tạo thuận lợi tối đa đối với doanh nghiệp (DN) khi đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, những cơ chế, chính sách mà Chính phủ đang hướng đến cho mô hình này có thể là những phép thử chính sách hiệu quả.
Con đường chông gai
Khu vực tư nhân trong nhiều năm qua đã phải mò mẫm, tự đi và tự vượt qua rất nhiều chướng ngại, mà như cách nói của Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân “DN quá gian khổ trên con đường làm ăn chân chính”.
Những con số thống kê mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN vừa diễn ra không khỏi khiến chúng ta phải suy ngẫm. Lãi suất bình quân của Việt Nam hiện là 7 - 9%, trong khi Trung Quốc chỉ là 4,3%; Malaysia 4,6%; Hàn Quốc 2 - 3%; Nhật Bản 0,95%; chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore); chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu tăng trung bình từ 1,5 - 2 lần so với trước đây; thời gian kéo dài từ 7 - 10 ngày.
Trong số các vướng mắc, thủ tục hành chính rườm rà, nhiều cấp vẫn là vấn đề không ít DN tư nhân nhắc đến, khiến họ nản chí, nản lòng khi thực hiện đầu tư kinh doanh. Thực tế, vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra ví dụ lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện do 3 Bộ Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng quản lý theo 3 nghị định khác nhau; giấy phép kiểm dịch do các đơn vị khác nhau trong một Bộ cùng xử lý mà không thống nhất đầu mối.
Một nhà đầu tư chia sẻ, theo cơ chế hiện hành, nếu muốn thực hiện 1 dự án đầu tư về du lịch nghỉ dưỡng tại Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) sẽ phải liên quan đến rất nhiều cấp, sở, ban ngành, đó là UBND Tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong, nhiều sở, ban ngành của Tỉnh, rồi đến UBND huyện và trực tiếp là chính quyền UBND xã… Mỗi sở, ngành quản lý một lĩnh vực của dự án, ví dụ Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý thủ tục về đất đai, dưới đó là các chi cục quản lý về tài nguyên nước, chất thải nguy hại, xả thải. Phải đi qua nhiều cấp, nhiều cửa cũng khiến nhà đầu tư luôn bất an, sợ sở A nói thế này, sở B nói thế khác.
Thủ tục hành chính thiếu minh bạch, nhất quán, rườm rà, mất thời gian cũng là một nguyên nhân dẫn đến DN phải bỏ rất nhiều chi phí không chính thức để cho “xong việc”. 66% DN trong Khảo sát PCI năm 2016 đã xác nhận trả loại phí này.
Kỳ vọng ở mô hình hành chính một cấp
Trong suốt 1 năm qua, Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách và hành động quyết liệt để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và hành lang pháp lý cho DN hoạt động.
Lúc này, khi vị trí của khu vực kinh tế tư nhân đã được đặt xứng tầm, cộng đồng DN đang rất trông chờ Chính phủ sẽ sớm có những nghị định, văn bản để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, tạo điều kiện hỗ trợ các DN thuộc khối kinh tế tư nhân hoạt động kinh doanh, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Ngay tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã chứng minh thông điệp “đồng hành cùng DN” bằng việc ký ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Con đường tiếp tục thực hiện thông điệp kiến tạo, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN sẽ còn cần rất nhiều những chính sách, hành động cụ thể như vậy.
Những chính sách mà Chính phủ đang xây dựng cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng nhằm mục tiêu lớn nhất là tạo môi trường thuận lợi tối đa cho DN, để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, phát triển. Tuy mới ở những bước dự thảo ban đầu, nhưng ý tưởng về việc thành lập mô hình hành chính một cấp tại “đặc khu” được DN rất trông đợi, kỳ vọng.
Các quy định về tổ chức và quản lý đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được xây dựng theo hướng giảm tối đa số đầu mối quản lý nhà nước và tập trung phân cấp thẩm quyền quản lý cho chính quyền đặc khu, nhà đầu tư sẽ chỉ phải làm việc với một đầu mối. Đây là điểm đặc biệt hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Các đơn vị hành chính - kinh tế được xem như là phòng thử nghiệm những cơ chế, chính sách mới. Triển khai có hiệu quả các quy định mới về tổ chức và mô hình quản lý đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ bổ sung thêm về lý luận và thực tiễn để hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật nước ta. Việc quyết liệt đổi mới cơ chế, chính sách để phát triển các “đặc khu” cũng sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và khu vực tư nhân vào quan điểm mới, đột phá mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ nhằm phát triển đất nước, phát triển kinh tế và hỗ trợ DN.