Lượng kiều hối trên toàn cầu đã đạt mức hơn 445 tỷ USD trong năm 2016, tăng 51% trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây - Ảnh: The Hindu. |
Gần nửa nghìn tỷ USD là số tiền mà lao động nhập cư trên toàn cầu gửi về nước mỗi năm, hãng tin CNN dẫn một báo cáo mới được Liên hiệp quốc công bố cho biết.
Theo báo cáo từ Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp (IFAD) thuộc Liên hiệp quốc, lượng kiều hối trên toàn cầu đã đạt mức hơn 445 tỷ USD trong năm 2016, tăng 51% trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây.
Năm nay, lượng kiều hối trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng thêm 5 tỷ USD, đạt 450 tỷ USD. IFAD nói rằng trong năm 2017, cứ 7 người trên toàn cầu thì sẽ có 1 người nhận được hoặc gửi tiền từ nước ngoài.
Cũng theo báo cáo, khoảng 200 triệu lao động nhập cư hiện đang là nguồn tài chính hậu thuẫn cho 800 triệu người thân trong gia đình ở quê nhà.
“Những khoản tiền nhỏ 200-300 USD mà mỗi lao động nhập cư gửi về nhà chiếm tới 60% thu nhập của cả gia đình, và điều này tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của họ cũng như cộng đồng mà họ sinh sống ở đó”, Chủ tịch IFAD, ông Gilberg Houngbo, nói trong một tuyên bố.
Nhận 63 tỷ USD kiều hối trong năm 2016, Ấn Độ soán ngôi quốc gia được gửi nhiều kiều hối nhất thế giới mà Trung Quốc nắm giữ những năm trước đó.
Vào năm 2007, lao động Trung Quốc ở nước ngoài gửi về nước 38,5 tỷ USD, so với mức 37,2 tỷ USD mà Ấn Độ nhận được. Tuy nhiên, trong năm ngoái, lượng kiều hối của Trung Quốc chỉ đạt 61 tỷ USD, thấp hơn 2 tỷ USD so với của Ấn Độ.
Ba vị trí tiếp theo trong top 5 thuộc về Philippines (29,9 tỷ USD), Mexico (28,5 tỷ USD), và Pakistan (19,8 tỷ USD).
Tuy nhiên, nguồn tiền mà 30 triệu lao động Ấn Độ ở nước ngoài gửi về nước chỉ giữ một vai trò tương đối nhỏ trong nền kinh tế đang tăng trưởng bùng nổ của nước này. 63 tỷ USD kiều hối mà Ấn Độ nhận được trong năm ngoái chỉ tương đương khoảng 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của quốc gia đông dân thứ nhì thế giới.
Trong khi đó, một số quốc gia đang phát triển khác có mức độ phụ thuộc lớn hơn vào kiều hối. Chẳng hạn, kiều hối tương đương tới 32% GDP của Nepal; 31% GDP của Tajikistan, và 26% GDP của Kyrgyzstan.
Không chỉ là nguồn hỗ trợ tài chính cho gia đình ở quê nhà, lực lượng lao động nhập cư trên toàn cầu còn có vai trò không nhỏ đối với quốc gia sở tại nơi họ làm việc. Khoảng 85% thu nhập của lao động nhập cư, ước tính vào khoảng 3 nghìn tỷ USD mỗi năm, ở lại các nước sở tại - theo báo cáo.
Theo ông Pedro de Vasconcelos, trưởng nhóm tác giả thực hiện báo cáo, nhu cầu lao động nhập cư tại các nước phát triển sẽ tiếp tục tăng do dân số của các quốc gia này già đi.
“Kiều hối có thể giúp gia đình những người lao động nhập cư xây dựng một tương lai đảm bảo hơn. Vì thế mà việc ra nước ngoài làm việc trở thành một lựa chọn, thay vì chỉ là một việc cần thiết đối với những người trẻ”, ông Vasconcelos nói.
Trong vòng 1 thập kỷ, từ 2007-2016, lượng kiều hối toàn cầu đã tăng từ mức 296 tỷ USD lên 445 tỷ USD, trung bình tăng 4,2% mỗi năm.