Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp. |
Ngày 22/11 tới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) đồng thời bán đấu giá lần lượt 57,71% và 21,28% vốn của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex).
Thương vụ này gây chú ý bởi danh sách các nhà đầu tư đăng ký tham gia phiên đấu giá cổ phần VCG do SCIC sở hữu đã lộ diện, trong đó có 1 cá nhân sinh năm 1980 (CMT cấp tại Huế) và 3 tổ chức. Trong 3 tổ chức này thì có 1 công ty chỉ mới vài ngày tuổi, 1 công ty đang kinh doanh thua lỗ. Để sở hữu trọn lô cổ phần nói trên (chiếm 57,71% vốn VCG) thì nhà đầu tư phải chi tối thiểu 5.431 tỷ đồng và đặt cọc hơn 543 tỷ đồng.
Thêm vào đó, khi chỉ còn hơn 10 ngày là đến đợt đấu giá chính thức, Vinaconex bất ngờ đưa ra thông báo khóa room ngoại về mức 0%. Hồi năm ngoái, đợt đấu giá cổ phần VCG vào tháng 11/2017 của SCIC, vấn đề giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được nhắc đến và vẫn giữ ở mức 49%.
Tại công văn gửi Vinaconex hôm 8/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xác nhận việc Vinaconex xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 0% vốn điều lệ là phù hợp với quy định hiện tại. “Công ty hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện kinh doanh theo đúng ngành, nghề kinh doanh đã đăng ký và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan”, công văn của UBCKNN nêu rõ.
UBCKNN cũng yêu cầu, ngay sau khi nhận được thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại VCG là 0%, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cập nhật tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VCG trên hệ thống để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch chứng khoán theo đúng quy định pháp luật.
Về phía Bộ Tài chính, trả lời câu hỏi về việc siết room ngoại Vinaconex về 0% liệu có phạm luật và hạn chế mức độ cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong việc đấu giá lô cổ phần Vinaconex hay không, ông Đặng Quyết Tiến, Vụ trưởng Vụ Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: “Điều này nằm trong phương án thoái vốn của Vinaconex. Việc đưa mức room ngoại về 0% có căn nguyên của nó, sau khi Vinaconex thoái vốn xong, chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo về vấn đề này".
Theo ông Tiến, yếu tố quan trọng nhất trong vấn đề room của nhà đầu tư là phải phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với cam kết của mình về ngành nghề. Những ngành nghề Chính phủ Việt Nam cam kết WTO khi tiến hành mở cửa vẫn có những khống chế nhất định.
"Chuyện đưa room ngoại về 0% chúng tôi sẽ trao đổi lại với chủ sở hữu vốn Nhà nước của Vinaconex là SCIC. Việc này cũng chưa bắt buộc ngay, và để bảo đảm việc thoái vốn hiệu quả nên chúng tôi sẽ trả lời báo chí sau khi Vinaconex thoái vốn xong”, ông Tiến nói.
Cũng tại buổi họp báo, thông tin về quá trình cổ phần hoá, đại diện Bộ Tài chính cho hay, tính đến thời điểm hiện tại số doanh nghiệp được cổ phần hóa chưa được số lẻ trong tổng số 127 doanh nghiệp theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Hai thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM thậm chí có tình trạng “trắng” doanh nghiệp cổ phần hóa.
Theo ông Tiến, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Trong số trên có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017.
Tuy nhiên, đến ngày 10/9, các đơn vị mới thực hiện cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp. Đáng nói là hai thành phố có số lượng doanh nghiệp phải cố phẩn hóa lớn nhưng vẫn trắng tay.
Cụ thể, TPHCM theo kế hoạch phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, chiếm 44% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm nay. Hà Nội cũng phải cổ phần hóa 14 doanh nghiệp, chiếm 16% tổng số doanh nghiệp. Cả hai thành phố hiện vẫn chưa triển khai được đơn vị nào.
Nhìn lại cả giai đoạn, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo công văn của Thủ tướng, giai đoạn 2017-2020 phải cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tới nay, con số được tính toán là 26/127 doanh nghiệp trong kế hoạch trên được phê duyệt, chiếm tỷ lệ 20,4%.