Sáng 17/4/2017, tại Nhà Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp diễn ra trong 6 ngày (từ 17-22/4), có hai phần làm việc.
Phần thứ nhất cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý 6 dự án luật, gồm: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quản lý sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Quy hoạch.
Sáu luật này đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ hai. Phiên họp lần này, trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe lại, cho ý kiến trước khi gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ ba của Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; về danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, về quyết toán ngân sách Nhà nước 2015, Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí 2016.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân, việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, việc xem xét quyết định thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và thành phố Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa.
Phần thứ hai của Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ này. Hai nhóm vấn đề được chọn để chất vấn tại Phiên họp.
Nhóm vấn đề thứ nhất là giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, đặc biệt là đối với những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc; thực trạng công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an đã xuất ngũ; vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước.
Nhóm vấn đề thứ hai là: Công tác quản lý an toàn thông tin mạng, việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm cá nhân và các tổ chức khác; việc kiểm duyệt chương trình nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, so với dự kiến và theo yêu cầu của Chính phủ, Phiên họp thứ 9 có điều chỉnh một số nội dung: Bổ sung nội dung xem xét thành lập 4 phường thuộc thị xã Sầm Sơn và công nhận nâng cấp từ thị xã lên thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đảm bảo đúng quy trình, quy định; cho ý kiến về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia và cho rút dự án Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 3 nội dung để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba, đó là: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật các tổ chức tín dụng; dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu và dự thảo nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên hiện nay, hồ sơ tài liệu của các nội dung nêu trên chưa được gửi đến để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra theo quy định nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét để đưa vào chương trình Phiên họp thứ 9. Trường hợp rất cần thiết phải bổ sung 3 nội dung này có thể xem xét tại Phiên họp thứ 10 vào tháng 5 tới trước khi khai mạc Kỳ họp thứ ba của Quốc hội.
Để đảm báo theo đúng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan trình nội dung ra Quốc hội phải theo đúng tinh thần của luật này; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan khi kiến nghị bổ sung các nội dung vào chương trình cần gửi đầy đủ hồ sơ, tài liệu của nội dung đề xuất trình bổ sung vào phiên họp để có đủ căn cứ, cơ sở xem xét, quyết định.
Các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Mở đầu phiên họp sáng, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển điều khiển phần thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thay mặt Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 9 vấn đề đã được tiếp thu, chỉnh lý hoặc giải trình về dự thảo luật, trong đó đề nghị thu hẹp đối tượng áp dụng của luật, tránh dàn trải trong điều kiện nguồn lực có hạn.
Cho ý kiến về những vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh yêu cầu cần rà soát lại Điều 30 dự thảo luật để không làm mất đi vai trò của tổ chức nào, gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng như các hiệp hội ngành nghề khác.
Dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tách riêng trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng như các hiệp hội ngành nghề khác. Theo giải trình của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, việc tách riêng trách nhiệm như vậy là nhằm góp phần lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho đúng, trúng, cũng như để các cơ quan quản lý Nhà nước dễ phối hợp trong việc thực hiện.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, quy định như vậy là chưa đúng với vai trò của VCCI - cơ quan đại diện cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam theo Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vị thế pháp lý và chức năng ngang hàng với các hiệp hội ngành hàng, đều là các tổ chức được thành lập theo ý chí tự nguyện của các hội viên, có điều lệ được Bộ Nội vụ phê duyệt, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, với nhiệm vụ chung là tập hợp, đại diện và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên mà 97-98% trong đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Từ đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, việc giao toàn bộ chức năng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam theo dự thảo luật cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa là chưa phù hợp với vị thế pháp lý của hiệp hội này.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, hiệp hội này có chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và việc bản thân ông được ứng cử đại biểu Quốc hội cũng với vị thế là người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại Quốc hội.
Bởi vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất mong muốn được giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết khi ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hiệp hội thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng không đồng ý với Chủ tịch VCCI. Cụ thể, VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa là hai tổ chức riêng biệt, có tôn chỉ, mục đích riêng.
Các nội dung có ý kiến khác nhau này đã được nêu ra một vài lần trong các cuộc họp, hội thảo đã được tổ chức trước đây, nhưng Ban soạn thảo thấy không thể tiếp thu được ở giai đoạn này nên thể hiện như dự thảo luật. Cho rằng càng nhiều tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa càng tốt, nên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật về Điều 30.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, cần rà soát lại Điều 30 để không ảnh hưởng đến vai trò của tổ chức nào. Phát biểu kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật rà soát lại Điều 30 để không ảnh hưởng đến chức năng của tổ chức nào.
Thu hẹp đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ
Ủy ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa như giảm mức trần về số lao động từ 300 xuống 200, bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội, qua đó thu hẹp đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ theo luật.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2015, trong khoảng 480.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 42% tổng số doanh nghiệp.
Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn tạo cơ sở để doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đối với các đối tượng có trọng tâm cũng đã quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ; làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn về đề nghị này, bởi cho rằng quy định như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp chiếm phần lớn, cụ thể là 58% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia bảo hiểm xã hội sẽ bị thiếu "sân chơi".
Đánh giá cao việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng ý với đề nghị giảm mức trần lao động từ 300 xuống 200, bởi cho rằng hiện nay có nhiều người bắt đầu thành lập doanh nghiệp (khởi nghiệp) bằng cách sử dụng nhiều máy móc, nên không sử dụng nhiều lao động phổ thông. Vì thế, việc hạ điều kiện về số lượng lao động là hợp lý.
Nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, dự thảo luật lần này đã thể hiện tiếp thu nhiều ý kiến sau Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc coi doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là yếu thế có vẻ như chưa đúng, bởi các doanh nghiệp này chỉ sản xuất những mặt hàng đơn giản mà các tập đoàn và doanh nghiệp đa quốc gia không sản xuất.
Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nêu ví dụ về một cơ sở sản xuất săm lốp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận, có doanh thu khoảng 600 triệu đồng mỗi tháng, nhưng kê khai chỉ 100 triệu đồng/tháng để nhận mức khoán thuế 5 triệu đồng/tháng, đồng thời có thể "mềm mại" trong việc chấp hành quy định phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và quản lý thị trường.
Cơ sở này không chỉ sản xuất săm lốp xe cung cấp cho thị trường Việt Nam, mà còn cung cấp sang cả các thị trường lân cận như: Lào, Campuchia, tức là có quy mô không nhỏ.
Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch.
Theo chương trình, chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV, cho ý kiến về Đề án việc làm của Tòa án nhân dân.