Một người đàn ông đi ngang qua logo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bên ngoài trụ sở của định chế này ở Washington DC, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Rủi ro đang tăng lên trong hệ thống tài chính toàn cầu, và nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, thì tình hình có thể trở nên nguy hiểm - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo ngày 10/10.
Báo cáo Ổn định Tài chính toàn cầu (Global Financial Stability Report) mới nhất của IMF cũng cho rằng một điều đáng lo ngại nữa là giới đầu tư có vẻ đang tự mãn, hãng tin CNBC cho hay.
Theo báo cáo, giá cổ phiếu - đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ - đã nhiều lần lập đỉnh cao kỷ lục trong vòng 1 năm trở lại đây. Xu hướng này phản ánh rằng các nhà đầu tư tiếp tục ham thích những tài sản có độ rủi ro cao. Tuy nhiên, những bấp bênh trong vấn đề thương mại có thể khiến tâm lý ham thích rủi ro đảo ngược nhanh chóng và châm ngòi cho một đợt bán tháo bất ngờ trên các thị trường tài chính.
"Sự leo thang xa hơn của căng thẳng thương mại, cũng như những rủi ro địa chính trị gia tăng và bấp bênh chính sách ở những nền kinh tế lớn, có thể dẫn tới sự xấu đi đột ngột trong tâm lý ham thích rủi ro, châm ngòi cho một đợt điều chỉnh trên diện rộng trên thị trường vốn toàn cầu và kéo theo sự thắt chặt mạnh mẽ các điều kiện tài chính toàn cầu", báo cáo có đoạn viết.
Hôm thứ Ba, IMF đã cảnh báo rằng chiến tranh thương mại đang đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới. Định chế này cắt giảm 0,2 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 và 2019, còn 3,7%.
IMF nhấn mạnh, mức độ rủi ro ngày càng lớn từ xung đột thương mại giữa Mỹ và các đối tác xảy ra vào thời điểm mà các thị trường mới nổi đang đương đầu áp lực. Những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đang đối mặt với sự tháo chạy của các dòng vốn và lãi suất tăng ở Mỹ. Đồng nội tệ của các nước này đã rớt giá mạnh so với đồng USD.
Tuy nhiên, theo IMF, vấn đề tại các nền kinh tế mới nổi đến nay chủ yếu mới mang tính cục bộ, chưa phải là lan rộng.
"Ở thời điểm này, chúng tôi nhận thấy có nhiều sự khác biệt giữa các quốc gia. Khi so sánh các nền kinh tế phát triển với các nền kinh tế mới nổi, chúng tôi thấy các điều kiện tài chính vẫn còn dễ dàng ở các nền kinh tế phát triển, nhưng đã thắt chặt phần nào ở các thị trường mới nổi", ông Tobias Adrian, Giám đốc phụ trách mảng thị trường vốn và tiền tệ của IMF, nói với CNBC. "Ngay giữa các nền kinh tế mới nổi, tình hình cũng rất khác ở từng nước".
"Có một số quốc gia chịu ảnh hưởng khá mạnh bởi sự thoái vốn, đồng tiền mất giá, và rộng hơn là điều kiện tài chính thắt chặt", ông Adrian nói thêm. "Trong khi đó, một số thị trường mới nổi khác cũng đã trải qua sự thoái vốn nhưng chưa các điều kiện tài chính không hề xấu đi nhiều".
Tuy nhiên, IMF không loại trừ khả năng khủng hoảng lan rộng ra nhiều quốc gia.
"Đến nay, tâm lý ham thích rủi ro mạnh mẽ đã che khuất những thách thức mà các thị trường mới nổi có thể phải đối mặt nếu các điều kiện tài chính toàn cầu bất ngờ xấu đi nhanh chóng. Trong trường hợp đó, rủi ro khủng hoảng lan rộng giữa các nền kinh tế mới nổi có thể trở thành hiện thực. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc tránh sự tự mãn", báo cáo khuyến nghị.
Phân tích của IMF cho rừng các nền kinh tế mới nổi không bao gồm Trung Quốc có thể trải qua một đợt thoái vốn có quy mô 100 tỷ USD hoặc hơn kéo dài trong thời gian 4 tháng - tương tự như mức độ thoái vốn khỏi các thị trường này trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây.
Về Trung Quốc, IMF cho rằng các điều kiện tài chính ở nước này vẫn duy trì ổn định, nhờ các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương (PBoC). Ông Adrian cũng nhấn mạnh rằng mức nợ trong lĩnh vực phi tài chính ở Trung Quốc hiện đã ổn định.
"Trong 10 năm qua, mức nợ ở Trung Quốc tăng liên tục. Nhưng giờ đây, mức nợ đã ổn định, và đó là một điều tốt cho ổn định tài chính", ông nói. Mặc dù vậy, IMF cho rằng Bắc Kinh không nên dừng các nỗ lực cải tổ nền kinh tế, đặc biệt là giảm nợ xấu.