Một đoạn cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây được đưa vào khai thác. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN) |
Theo kết quả khảo sát, lưu lượng giao thông hiện tại trên Quốc lộ 20 khoảng 17.597 xe con quy đổi (PCU/ngày, đêm), đối với đoạn Dầu Giây-Tân Phú khoảng 7.244 (PCU/ngày, đêm). Dự báo từ nay đến năm 2020, đường Quốc lộ 20 mặc dù đã được cải tạo mở rộng thì lưu lượng xe cũng sẽ quá tải (lưu lượng dự báo đến năm 2020 khoảng 21.591 PCU/ngày, đêm). Do đó, việc đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương, đoạn Dầu Giây-Tân Phú là rất cần thiết.
“Đối với đoạn Dầu Giây-Tân Phú là đoạn tuyến nếu được đầu tư theo hình thức BOT thì chỉ cần thu phí từ người sử dụng để hoàn vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư mà không cần đến nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, trong điều kiện ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi ODA khó khăn như hiện nay để đáp ứng yêu cầu tiến độ hoàn thành và đưa dự án vào khai thác vào năm 2020 cần thiết nghiên cứu đầu tư dự án theo phương thức BOT,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án 1 cho hay.
Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú có chiều dài tuyến khoảng 59,6km đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc, Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) với điểm đầu km0 trên Quốc lộ 1A (khoảng km1829+850) trùng với km54+794.07 dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây. Điểm cuối km59+594 giao cắt với Quốc lộ 20, thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Tân Phú.
Tuyến đường được xây dựng với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/giờ, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe với bề rộng đường 24,7m, vận tốc thiết kế 100-120km/giờ. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 8.074 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 6.887 tỷ đồng.
Để xây dựng dự án, tổng nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên giai đoạn 1 khoảng 464ha trong đó, địa phận huyện Thống Nhất là 64,6ha; huyện Định Quán là 165,6ha, huyện Xuân Lộc là 16,2ha, huyện Tân Phú là 217,4ha. Giai đoạn 2 cần khoảng 249ha, trong đó địa phận huyện Thống Nhất là 35,3ha; huyện Định Quán là 90ha, huyện Xuân Lộc là 8,2ha, huyện Tân Phú là 115,4ha.
Đề cập đến phương án tài chính, Ban Quản lý dự án 1 cũng đưa ra kịch bản về mức phí thu và thời gian hoàn vốn cho tuyến đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú.
Theo đó, tuyến cao tốc này sẽ có mức thu phí 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km, thời gian thu phí 22 năm 6 tháng đồng thời đưa các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư phải thực hiện giai đoạn 2 dự án. Trong giai đoạn 2, mở rộng theo quy hoạch sẽ bổ sung phương án tài chính cho phần mở rộng.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt và thông qua, dự án được khởi công vào quý 1/2017; thời gian xây dựng dự kiến 3 năm.
Ngoài ra, phía Ban Quản lý dự án 1 cũng nhấn mạnh đến việc đầu tư tuyến đường cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Lâm Đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên, các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20; góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại./.