Bên mời thầu: Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Nghệ Tĩnh
Chủ đầu tư: Đoàn 337
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Tại điểm e Mục E-CDNT 10.8 thuộc Chương II của E-HSMT yêu cầu:
Đối với con giống: Có Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y đang còn hiệu lực hoặc các tài liệu tương đương khác theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT, được sửa đổi tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; theo đó, các loại Giấy chứng nhận có giá trị tương đương Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y bao gồm:
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP)
Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GLOBALG.A.P.)
Thực hành sản xuất tốt (GMP)
Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)
Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000
Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS)
Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC)
Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000)
Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh
Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi
Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trường hợp nhà thầu thương mại phải có hợp đồng nguyên tắc ký với một đơn vị cung ứng kèm theo đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y của đơn vị cung cấp đó hoặc các tài liệu tương đương theo quy định nêu trên (Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT).
Đối với cây giống: Phải có tài liệu kèm theo để chứng minh đủ điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng theo quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt năm 2018, cụ thể: Được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng; đồng thời sở hữu hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất giống cây trồng; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Trường hợp nhà thầu thương mại phải có hợp đồng nguyên tắc ký với một đơn vị cung ứng kèm theo đăng ký kinh doanh và các tài liệu để chứng minh đơn vị cung ứng đủ điều kiện sản xuất, buôn bán giống cây trồng theo quy định tại Điều 22 Luật Trồng trọt 2018.
Lưu ý: Toàn bộ tài liệu nêu tại mục này nhà thầu phải chuẩn bị 01 bộ gốc để đối chiếu tài liệu.
Tại Mục 3 Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật thuộc Chương III của HSMT yêu cầu:
Phân đạm: Có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và có giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón: 270 kg (90kg/ha);
Phân lân: Có giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón: 270 kg (90kg/ha);
Phân kali: Có giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón: 270 kg (90kg/ha).
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Theo văn bản kiến nghị, Nhà thầu cho rằng, HSMT đưa ra quá nhiều các tiêu chuẩn kỹ thuật làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Nhà thầu cho biết, về bản chất, các loại con giống, cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều là những hàng hoá thông dụng có sẵn trên thị trường, có thể mua bán ở bất cứ cơ sở sản xuất, chăn nuôi, đơn vị ương dưỡng cây giống, cửa hàng hoặc đại lý kinh doanh.
Đối với phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Trồng trọt. Thời hạn của quyết định công nhận là 5 năm. Trước khi hết thời gian lưu hành 3 tháng, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn phải thực hiện gia hạn theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 84/2019/NĐ-CP. Do vậy, khi tham dự gói thầu có các sản phẩm hàng hóa về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì nhà thầu chỉ cần cung cấp các mã số đăng ký sản phẩm đã được nhà sản xuất công bố lưu hành và tra cứu trên các nền tảng của Cục Bảo vệ thực vật một cách minh bạch, công khai với đầy đủ các thông tin về sản phẩm là đáp ứng yêu cầu.
Các hồ sơ về tính hợp lệ của hàng hóa (Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y đang còn hiệu lực hoặc các loại Giấy chứng nhận có giá trị tương đương Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y bao gồm: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GLOBALG.A.P.); Thực hành sản xuất tốt (GMP); Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP); Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000; Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS); Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC); Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000)) thuộc quyền sở hữu của nhà sản xuất vì vậy nhà thầu chỉ cần cam kết đáp ứng và chỉ cung cấp trong trường hợp được công nhận trúng thầu.
Nhà thầu kiến nghị Bên mời thầu sửa đổi, huỷ bỏ các yêu cầu trên với lý do các loại chứng chỉ đều thuộc về tính hợp lệ của hàng hóa, nhà thầu chỉ cần cam kết đáp ứng và nộp trong trường hợp nhà thầu được công nhận trúng thầu và trong thời gian giao hàng.
Trả lời giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Theo Văn bản số 811/VB-ĐKT ngày 28/6/2024 của Đoàn 337, Chủ đầu tư cho biết sửa đổi HSMT theo kiến nghị của Nhà thầu. Cụ thể:
Bỏ toàn bộ điểm e và phần lưu ý tại mục 10.8 E-CDNT thuộc Chương II của HSMT.
Tại Mục 3 Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật thuộc Chương III của HSMT yêu cầu, đối với các loại phân bón bao gồm đạm, lân, kali, HSMT sửa đổi: “Nhà thầu cung cấp mã số phân bón” thay vì yêu cầu “Có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam và có giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón”.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Chủ đầu tư sửa đổi HSMT theo như thông báo tại Văn bản số 811/VB-ĐKT ngày 28/6/2024, đồng thời gia hạn thời điểm đóng thầu từ ngày 5/7/2024 đến ngày 12/7/2024.