Bên mời thầu: Trung tâm Giống nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Trong mục 1.2.1 Yêu cầu kỹ thuật chung Chương V, HSMT yêu cầu: “Tinh bò giống Brahman (nhóm Zebu) được cung cấp của từ 10 con bò đực giống Brahman trở lên và được nhập khẩu từ Mỹ được Cục Chăn nuôi chứng nhận”.
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Nhà thầu cho rằng, giống bò Zebu bao gồm rất nhiều loại như: Bò Brahman, Bò Africander, Bò Sindhi đỏ, Bò Sahiwal... Như vậy, nếu yêu cầu là cung cấp tinh bò Brahman thì phần mô tả tinh bò Brahman cần nằm trong phần Yêu cầu kỹ thuật chi tiết cũng như đề cập cụ thể trong phạm vi cung cấp hàng hoá thay vì trong mục yêu cầu kỹ thuật chung. Vì vậy, nhà thầu có thể hiểu nếu nhà thầu cung cấp tinh bò Brahman sẽ phải sản xuất từ 10 con bò nhập từ Mỹ được Cục Chăn nuôi chứng nhận.
Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu giải thích mục: Tinh bò giống Brahman được cung cấp của từ 10 con bò Brahman. Theo định mức kinh tế kỹ thuật được Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành, một con bò đực giống có thể sản xuất 7000 liều tinh/năm. Mà theo điểm 1 mục 1.2.2 Yêu cầu kỹ thuật chi tiết có mô tả hàng hoá là tinh được sản xuất từ năm 2018 đến nay. Vậy trong 6 năm, 1 con bò hoàn toàn có thể sản xuất đủ số tinh cung ứng cho Gói thầu. Như vậy, yêu cầu nhà thầu chứng minh có 10 con bò Brahman là hành vi hạn chế nhà thầu, hạn chế quy mô của nhà thầu đủ điều kiện và năng lực thực hiện Gói thầu.
Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu giải thích nội dung “Bò Brahman... được nhập khẩu từ Mỹ”. Được biết, Bò Brahman có xuất xứ từ Ấn Độ được nhập khẩu vào Mỹ từ những năm thế kỷ 19. Ngoài ra, giống Bò Brahman còn được nhiều nước có nền kinh tế nông nghiệp hàng đầu thế giới như Úc, Nhật, Isreal nghiên cứu và lưu giữ giống cũng như phát triển giống. Vậy việc yêu cầu cụ thể Bò Brahman sản xuất tinh phải được nhập khẩu từ Mỹ là yếu tố hạn chế nhà thầu, tạo ra lợi thế cạnh tranh không lành mạnh cho một số nhà thầu khác.
Căn cứ theo Điều 2, 3, 4, Điều 44 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có đề cập như sau: “2. Hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ. Trường hợp gói thầu thuộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 và đáp ứng đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này nhưng người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh để lựa chọn nhà thầu thì hồ sơ mời thầu được quy định về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa.
3. Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
4. Trường hợp hồ sơ mời thầu có các nội dung vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này thì các nội dung này sẽ bị coi là vô hiệu, không phải là căn cứ để đánh giá hồ sơ dự thầu.”
Như vậy, điều kiện yêu cầu các nội dung liên quan đến bò Brahman nhập từ Mỹ thì sẽ không phải là căn cứ để đánh giá HSDT.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 04/3/2024, sau khi rà soát nội dung và trên cơ sở thực tế, Trung tâm Giống nông nghiệp trả lời yêu cầu làm rõ HSMT như sau:
Trong nhóm bò Zebu có các giống được nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại có: Red Sind, Sahiwan và Brahman. Từ những năm 1970 bò Red Sind, Sahiwan và Brahman được nhập khẩu về để cải tạo đàn bò Vàng Việt Nam. Do tính ưu việt của giống bò Brahman là tầm vóc cao to, sinh trưởng nhanh hơn, thể hiện vai trò cải tạo nâng cao tầm vóc bò vàng Việt Nam tốt hơn nên từ những năm 2000 trở lại đây ở Việt Nam chủ yếu dùng tinh bò Brahman để cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò thịt Việt Nam. Hiện nay, theo nhu cầu và định hướng của tỉnh Bình Định vẫn dùng giống bò Brahman trong nhóm Zebu để nâng cao tầm vóc của đàn bò nền.
Tỉnh Bình Định có đàn bò thịt lớn (khoảng trên 300.000 con), nhu cầu số lượng tinh hàng năm rất lớn cho công tác thụ tinh nhân tạo đã được triển khai thực hiện gần 40 năm qua và tiếp tục triển khai những năm sau 2024. Với mục đích đa dạng di truyền, nâng cao chất lượng đời con và hiệu quả trong công tác chọn lọc giống. Do vậy, việc cần càng nhiều số hiệu đực giống trong nhân giống càng tốt cho công tác chọn lọc giống; đồng thời cần từ 10 số hiệu đực giống trở lên để tỉnh phân bổ cho các huyện khác nhau để thực hiện tốt công tác quản lý và tránh nguy cơ đồng huyết (tỉnh Bình Định có 11 huyện, thị xã, thành phố thực hiện thụ tinh nhân tạo bò).
Giống bò Brahman được nhập về Việt Nam từ những năm 1970 đến nay, đầu tiên có nguồn gốc từ Cuba, những năm 2000 bắt đầu nhập từ Australia và từ năm 2015 lần đầu tiên giống bò Brahman được nhập khẩu từ Mỹ. Tinh giống bò Brahman nhập khẩu từ Mỹ được triển khai tại Bình Định thông qua dự án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 (đã thực hiện đến năm 2023). Bê lai có tầm vóc to lớn, sinh trưởng tốt, được người chăn nuôi đánh giá cao. Do đó, hiện nay để tiếp tục triển khai Chính sách phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong năm 2024 (Chính sách được xã hội hóa, người chăn nuôi đối ứng 50% kinh phí mua vật tư) vẫn tiếp tục sử dụng tinh bò giống Brahman nhập từ Mỹ, để phục vụ cho người chăn nuôi và đồng bộ dự án trong thời gian triển khai vừa qua.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Các nội dung đã phát hành của HSMT giữ nguyên.
Nhà thầu trúng thầu: Công ty cổ phần Phát triển giống gia súc miền Trung.