Gói thầu 12,4 tỷ đồng tại Ninh Bình: Sửa tiêu chí vẫn bị “kêu” hạn chế nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau phản ánh của nhà thầu về bất cập của một số tiêu chí mời thầu tại Gói thầu Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị thuộc nhiệm vụ xây dựng hệ thống đài truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình (chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) vừa có quyết định sửa đổi hồ sơ mời thầu (HSMT) và gia hạn đóng thầu đến sáng 15/12/2022.
Ninh Bình là một trong những địa phương đầu tiên triển khai Gói thầu Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị hệ thống đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Ảnh minh họa: ĐT
Ninh Bình là một trong những địa phương đầu tiên triển khai Gói thầu Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị hệ thống đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Ảnh minh họa: ĐT

Tuy nhiên, Công ty CP Tư vấn xây dựng và Thương mại Goldhouse 187 vẫn cho rằng, HSMT đã sửa còn hạn chế nhà thầu.

Gói thầu trên có giá 12,484 tỷ đồng, được đấu thầu qua mạng, theo kế hoạch đóng thầu vào ngày 11/12/2022. Trong thời gian phát hành HSMT, một nhà thầu phản ánh tới Báo Đấu thầu về một số tiêu chí bất cập của HSMT như: đưa ra yêu cầu cao về năng lực tài chính của nhà thầu (yêu cầu về doanh thu bình quân hàng năm của nhà thầu cao hơn so với quy định của pháp luật về đấu thầu); yêu cầu về giá trị hợp đồng tương tự cao hơn so với quy định. Ngoài ra, HSMT không cho phép nhà thầu đưa ra phương án kỹ thuật thay thế tương đương, không tuân thủ quy định tại Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và Công văn số 1273/BTTTT-TTCS ngày 27/4/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật của Hệ thống thông tin nguồn trung ương và Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình cho biết, do hiểu nhầm về công thức tính doanh thu bình quân hàng năm của nhà thầu (không bao gồm thuế VAT), yêu cầu về giá trị hợp đồng tương tự thông thường là 50% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét (HSMT yêu cầu khoảng 70%) nên Bên mời thầu đã thực hiện sửa đổi HSMT. Theo đó, yêu cầu về doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu của nhà thầu đã được sửa đổi từ 18,726 tỷ đồng thành 17,024 tỷ đồng. Yêu cầu về giá trị tối thiểu của mỗi hợp đồng tương tự (tối thiểu 2 hợp đồng tương tự) là 6,242 tỷ đồng (trước đó yêu cầu 8,739 tỷ đồng).

Đối với nội dung không cho phép nhà thầu đưa ra phương án kỹ thuật thay thế tương đương, cán bộ trên cho biết, Bên mời thầu giữ nguyên yêu cầu này vì Hệ thống thông tin nguồn trung ương và Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh đang trong giai đoạn xây dựng và phải mất khoảng 6 - 12 tháng mới có thể vận hành và khớp nối với gói thầu đang xét. Nhà thầu tham dự gói thầu này phải đảm bảo sự khớp nối và đồng bộ với Hệ thống thông tin nguồn trung ương và Hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh. HSMT đưa ra yêu cầu về giải pháp kỹ thuật như trên căn cứ vào tình hình thực tế, thiết kế thi công đã được duyệt. Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT và Công văn số 1273/BTTTT-TTCS chỉ hướng dẫn chung về các thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cần đáp ứng chứ không yêu cầu cụ thể về lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, trong công văn gửi đến Báo Đấu thầu và một số cơ quan chức năng, Công ty CP Tư vấn xây dựng và Thương mại Goldhouse 187 cho rằng, HSMT giữ nguyên yêu cầu trên là hạn chế sự sáng tạo của nhà thầu, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, không tuân thủ quy định tại Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT và Công văn số 1273/BTTTT-TTCS.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu cho biết, trên thực tế, việc lượng hóa và đánh giá về phương án kỹ thuật thay thế tương đương là rất khó, nhất là đối với các giải pháp về công nghệ thông tin, viễn thông. Vì thế, nhà thầu nên bám sát các yêu cầu của HSMT để lập HSDT một cách tốt nhất.

Chuyên đề