Cách đây 3 tháng, giá dầu thế giới còn ở đỉnh của gần 4 năm. |
Năm 2018, Phố Wall đã có lúc dự báo giá dầu sẽ vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên trong 4 năm.
Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn trái ngược: không những không vượt ngưỡng giá dự báo trên, giá dầu còn có năm giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2015.
Đợt giảm kinh hoàng và bất ngờ của giá dầu trong quý 4/2018 đã chấm dứt quãng thời gian phục hồi 2 năm rưỡi sau khi giá năng lượng này giảm sâu trong năm 2014-2016. Ở thời điểm hiện tại, các nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ tăng trở lại trong năm 2019, nhưng những rủi ro địa chính trị gây sức ép lên thị trường dầu trong năm 2018 vẫn là một "ẩn số" lớn - theo hãng tin CNBC.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/12 tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau còn 45,41 USD/thùng, giảm gần 25% trong cả năm. Tại thị trường London, giá dầu Brent còn khoảng 54 USD/thùng, giảm 20%.
Đây là năm giảm đầu tiên của giá dầu thế giới kể từ 2015 - năm mà giá hai loại dầu này cùng giảm trên 30%.
Bán tháo không thể lường trước
Cách đây 3 tháng, giá dầu thế giới còn ở đỉnh của gần 4 năm. Cũng đã có một số nhà phân tích cảnh báo rằng đợt tăng đó là thiếu bền vững và giá dầu có thể giảm trở lại, nhưng hầu như không ai có thể lường trước được sự bán tháo lại diễn ra nhanh và mạnh đến như vậy.
Từ đỉnh tới đáy, giá dầu WTI đã mất gần một nửa giá trị.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, không có gì là khó để giải thích việc dầu thô rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
Hồi tháng 5, chính quyền Tổng thống Donald Trump nối lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Động thái này của Washington đặt ra nỗi lo về sự thắt chặt nguồn cung dầu.
Trong tháng 6, OPEC và một nhóm đối tác, dẫn đầu là Nga, quyết định dừng thỏa thuận hạn chế sản lượng đã thực hiện từ năm 2016. Đối mặt với sự thúc giục từ ông Trump và khách hàng mua dầu, Saudi Arabia tăng mạnh sản lượng, đưa thêm khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày ra thị trường trong thời gian từ tháng 6-11.
Mặc dù vậy, đến tháng 10, các chuyên gia cảnh báo rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng chậm hơn dự báo trước đó.
Cùng tháng, thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, khi các cổ phiếu công nghệ tăng cao trước đó bị bán tháo và nhà đầu tư lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và lãi suất tăng.
Các tài sản có độ rủi ro cao hơn bị bán tháo ồ ạt, trong đó có dầu thô. Đến cuối tháng, giá dầu đã sụt khoảng 11 USD/thùng so với đỉnh thiết lập hôm 3/10.
Nhân tố Mỹ
Áp lực giảm giá dầu càng lớn hơn bởi một động thái bất ngờ của ông Trump khi Mỹ chính thức tái áp lệnh trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran vào ngày 5/11.
Giới đầu tư dầu lửa "trở tay không kịp" khi Washington tuyên bố áp dụng miễn trừ đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ là những khách hàng mua dầu lớn nhất của Tehran. Sự miễn trừ cho phép các nền kinh tế này tiếp tục được mua dầu Iran trong vòng 6 tháng mà không phải chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Điều này đặt OPEC và Nga vào một tình huống không thể trớ trêu hơn: họ tăng sản lượng dầu giữa lúc nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi, và nguồn cung dầu từ Iran không giảm mạnh như dự kiến.
Vào thời điểm cuối năm, xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa được giải quyết, và thị trường tiếp tục lo ngại về một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.
Ngoài ra, sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh hơn dự báo, đưa Mỹ vượt qua Saudi Arabia và Nga, trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong nửa cuối năm.
Giá dầu năm 2019?
Tuy vậy, nhiều nhà sản xuất dầu của Mỹ cần giá dầu trong khoảng 50-55 USD/thùng để hòa vốn đối với những giếng dầu mới, nên mức giá dầu hiện nay đang buộc một số công ty khai thác dầu ở Mỹ phải hạn chế sản lượng - theo nhà phân tích cổ phiếu dầu lửa Neal Dingmann thuộc Suntrust Robinson Humphrey.
"Tôi luôn nói rằng phương thuốc cho tình trạng giá dầu thấp ở Mỹ chính là giá dầu thấp", ông Dingmann nói với CNBC.
"Một số nhà khai thác dầu của Mỹ đã bắt đầu giảm sản lượng. Chúng tôi được biết đã có 3-4 công ty tầm trung quyết định như vậy".
Theo ông Dingmann, điều này sẽ dẫn tới việc sản lượng dầu của Mỹ giảm dần trong quý 1 hoặc quý 2/2019, nhờ đó OPEC có thể cân bằng thị trường dầu trong năm 2019. Tháng 12 vừa qua, OPEC và Nga đã nhất trí cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày để cứu giá dầu.
Đa phần các nhà phân tích ở Phố Wall dự báo giá dầu sẽ tăng lên ngưỡng 70 USD/thùng và giá dầu WTI lên ngưỡng 60 USD/thùng trong năm 2019. Nhưng vẫn có nhiều rủi ro lớn gây biến động giá dầu, bao gồm căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung, và việc liệu Mỹ sẽ làm gì sau khi biện pháp miễn trừ về trừng phạt Iran hết hạn vào khoảng đầu tháng 5.
Trong bối cảnh môi trường chính trị tiếp tục ảnh hưởng lên giá dầu, thị trường dầu lửa sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm lại trạng thái cân bằng, và nhà đầu tư cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho sự biến động mạnh của giá "vàng đen" trong năm nay - ông Dingmann khuyến cáo.