Nhu cầu từ tín dụng ngoại tệ chuyển sang vay VND, cộng hưởng thêm các nguyên nhân khác, góp phần kích thích lãi suất VND tăng lên gần đây - Ảnh: Quang Phúc. |
Cuối tuần qua, liên tiếp lần thứ hai chỉ trong một tuần, thị trường thế giới chứng kiến cú rơi cực mạnh của giá dầu. Đà lao dốc xóa sạch mức tăng của cả năm qua.
Chỉ trong hơn một tháng, giá dầu WTI rơi thẳng đứng từ 76 USD xuống chỉ còn 50,42 USD/thùng, dầu Brent lao từ gần 87 USD xuống còn 59,04 USD/thùng.
Mới chỉ hơn một tháng trước, nhiều chuyên gia trên thế giới còn hồ hởi dự báo mốc 100 USD/thùng của giá dầu sẽ sớm hiện thực…
Chỉ một khoảng thời gian ngắn, thế giới có những cú đảo chiều chóng mặt đến như vậy. Sức ảnh hưởng của nó mạnh mẽ và rộng lớn, Việt Nam không ngoài vùng phủ sóng.
Cú rơi rất mạnh của giá dầu có làm lung lay kế hoạch cân đối ngân sách của Việt Nam năm tới không, trong đó có một cầu phần thu xây dựng trên cơ sở giá dầu như thế nào.
Cụ thể hơn nữa, giá xăng dầu trong nước vừa có hai đợt liên tiếp giảm mạnh. Chắc chắn một điều, lạm phát tháng 11 và có thể nối tiếp tháng 12 tới có phần được xọa dịu từ một trọng số suy giảm trong rổ hàng tính chỉ số giá.
Mặc dù suốt thời gian qua, lạm phát cơ bản của Việt Nam được kiểm soát ở mức thấp, cho thấy yếu tố tiền tệ đối với lạm phát không lớn, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có dấu hiệu chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ dần dần.
Đà rơi liên tiếp của giá dầu tháng qua như trên góp phần xoa dịu áp lực lạm phát, ở mức độ nào đó có thể giảm bớt áp lực thắt chặt về cung tiền, tín dụng trong điều hành chính sách tiền tệ ngắn hạn, dù diễn tiến thực tế cần thời gian và độ trễ các yếu tố tác động được rút ngắn.
Thế nhưng, hiện tại và trước mắt, lãi suất ở Việt Nam đang tăng. Vì giá dầu hay lạm phát chỉ những cấu phần trong tổng hòa nhiều yếu tố tác động.
Vì sao lãi suất huy động VND tăng thời gian gần đây?
Từ giữa năm 2018, thị trường đã bắt đầu chộn rộn với áp lực huy động vốn để đáp ứng yêu cầu giảm giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, xuống dưới 40% từ 1/1/2019.
Quả thực lãi suất huy động VND tăng lên gần đây cũng tập trung nhiều vào các kỳ hạn dài, từ 12 tháng trở lên, song song với nhiều đợt phát hành trái phiếu dài hạn của ngân hàng thương mại.
Về mặt kinh doanh, nếu xác định điểm rơi lãi suất đã hình thành, giai đoạn lãi suất thấp đang dần qua, thì việc chủ động huy động vốn kỳ hạn dài đang có chi phí thấp để có lợi trong tương lai từ lúc này là một lựa chọn.
Mặt khác, nhu cầu vay vốn trung dài hạn của nền kinh tế vẫn lớn và thường trực, chủ động nguồn lúc này để đáp ứng cũng là một nguyên do.
Cũng đáng kể, hai năm gần đây và hiện nay, cũng như trong tương lai gần, một xu hướng nổi bật trong hoạt động ngân hàng Việt Nam là đẩy mạnh cho vay tiêu dùng mua nhà ở, mà đây chủ yếu là tín dụng trung dài hạn.
Thứ hai, như một "quy luật" mang yếu tố mùa vụ, cứ vào thời điểm cuối năm, nhu cầu thanh toán, chi trả, giải ngân… tăng cao, thanh khoản hệ thống đòi hỏi đáp ứng những dòng chảy lớn, lãi suất huy động hàng năm thường tăng lên vào thời điểm này.
Thứ ba, diễn biến giá dầu nói trên dẫn dắt đến một thực tế ngày càng nổi bật và có thể nói khách quan và khó kiểm soát: kinh tế Việt Nam hay lãi suất nội địa ngày càng khó độc lập với thế giới bên ngoài. Điểm này rất rõ trong năm 2018.
Nhìn ngược lại đầu năm, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên hơn gấp đôi - thay đổi rất lớn. Nó là hệ quả của chuỗi tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Đã có hơn chục ngân hàng trung ương trên thế giới buộc phải tăng lãi suất để cân đối với chính sách của FED. Còn Việt Nam, các lãi suất điều hành vẫn ổn định, thậm chí lãi suất OMO năm nay có bước giảm nhẹ. Nhưng lãi suất USD tăng hơn gấp đôi trên liên ngân hàng đã dồn đẩy hệ quả lớn đối với lãi suất VND.
Trước hết, trực tiếp nhất, lãi suất VND cũng phải tăng lên trên liên ngân hàng, cân đối lợi ích nắm giữ hai đồng tiền, qua đó hạn chế tác động đến tỷ giá USD/VND.
Kế đến, chuỗi tăng lãi suất của FED tích tụ và dồn đẩy giá trị đồng USD, tỷ giá USD/VND thực tế đã tăng mạnh so với những năm rất ổn định vừa qua. Từ đây dẫn đến hai điểm trực tiếp kết nối đến lãi suất VND.
Một là, dòng chảy ngoại tệ cùng hoạt động chuyển đổi nắm giữ từ USD sang VND (tất nhiên còn gắn với những yếu tố khác) đã không còn như hai năm trước.
Năm 2017 và đến nửa đầu 2018, dòng chảy ngoại tệ lớn, Ngân hàng Nhà nước mua ròng cỡ trên 20 tỷ USD đồng nghĩa với khoảng 450.000 tỷ đồng đối ứng. Dòng chảy này phải liên tục trung hòa bằng phát hành tín phiếu hút bớt tiền đồng về, nó tạo một mực nước thanh khoản dồi dào và thậm chí dư thừa trong hệ thống và giảm nhiệt lãi suất VND.
Đến nay, đã gần nửa năm trôi qua, dòng chảy đó không còn nữa, thậm chí nó đảo chiều bằng các đợt Ngân hàng Nhà nước phải bán ra ngoại tệ, đồng nghĩa với hút bớt VND về đối ứng. Vốn VND riêng ở dòng chảy này đã không còn trạng thái thuận lợi như trước.
Hai là, tỷ giá USD/VND tăng mạnh lên, có những thời điểm có biểu hiện căng thẳng áp sát trần… Điều này dẫn tới rủi ro tỷ giá bộc lộ, đánh động những khoản vay và nhu cầu vay ngoại tệ - vốn tăng rất mạnh trong năm 2017 và dồn xu thế sang cả đầu năm 2018.
Rủi ro tỷ giá bốc lộ, phía trước còn ám ảnh cả khả năng FED tăng tiếp lãi suất vào tháng 12, xa hơn có thể còn thêm ba lần tăng nữa trong năm 2019. 1% tỷ giá tăng tại một thời điểm lớn hơn rất nhiều so với 1% chi phí lãi vay tính theo năm. Rủi ro đó khiến tín dụng ngoại tệ suy giảm những tháng gần đây, nhu cầu dịch chuyển sang vay VND.
Nhu cầu từ tín dụng ngoại tệ chuyển sang vay VND, cộng hưởng thêm những nguyên nhân trên, càng góp phần kích thích lãi suất VND tăng lên gần đây.
Những diễn biến thực tế, các cấu phần tác động bên trong và bên ngoài nói trên cho thấy, giai đoạn lãi suất thấp của VND đang dần qua. Điểm hướng tới còn lại là các giải pháp kiểm soát, bình ổn của Ngân hàng Nhà nước.
Tất nhiên, nhìn ở mặt bằng chung, lãi suất huy động VND hiện nay thậm chí vẫn còn thấp hơn cùng kỳ 2017, nhất là ở các kỳ hạn dài tại nhiều ngân hàng thương mại hoặc ở cục diện của phần lớn thị phần huy động; nó chưa dẫn đến một cuộc đua nóng sốt nào đó mà một số thông tin phản ánh giật ra một cách thiếu tính đại diện cho một mặt bằng chung.
Hiện tại, cũng như trong hơn một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng qua kênh cầm cố trên thị trường mở. Hệ thống vẫn còn "của để dành" thanh khoản gần 29.000 tỷ đồng tín phiếu lưu hành chưa đáo hạn.
Và phần lớn các ngân hàng thương mại đều có một cửa dự phòng rằng, nếu lãi suất huy động biến động cao, họ hoàn toàn có thể tìm đến kênh hỗ trợ có lãi suất thấp hơn: tái cấp vốn qua trái phiếu VAMC - van vẫn mở cho một số thành viên thời gian qua.