Ảnh Internet |
Quý I năm nay, tình hình huy động khá khả quan so với cùng kỳ năm trước, cùng với kỳ hạn phát hành ngày càng dài hơn đã cho thấy nhà đầu tư có niềm tin nhiều hơn vào nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Huy động TPCP quý I tăng
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng thuộc Bộ Tài chính cho biết, quý I/2016 đã phát hành được khoảng 73,3 nghìn tỷ đồng TPCP, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Đạt được kết quả này là do năm nay thanh khoản của thị trường tài chính tốt, Bộ Tài chính phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn và tình hình huy động vốn của các ngân hàng tốt…
Theo tổng hợp của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất trúng thầu TPCP có xu hướng tăng nhẹ ở kỳ hạn ngắn và giữ nguyên ở kỳ hạn dài.
Về lợi suất giao dịch TPCP, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tại thời điểm cuối tháng 3/2016, lợi suất đồng loạt tăng ở tất cả các kỳ hạn so với tháng trước: kỳ hạn 3 năm tăng 28,5 điểm; kỳ hạn 5 năm tăng 29 điểm; kỳ hạn 10 năm tăng 16,2 điểm.
Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết, hiện Bộ Tài chính đang chuẩn bị cho kế hoạch phát hành TPCP quý II, nhìn chung vẫn nằm trong tổng thể kế hoạch cả năm đã được công bố ra thị trường là 220 nghìn tỷ đồng. Trong số 220 nghìn tỷ đồng, chủ yếu phát hành kỳ hạn 5 năm với 100 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm 66 nghìn tỷ đồng, còn lại là kỳ hạn 10 năm trở lên 54 nghìn tỷ đồng. Như vậy, kỳ hạn ngắn 3 năm chỉ chiếm khoảng 30%. Năm nay, Bộ Tài chính cũng sẽ tăng cường tính thanh khoản của thị trường bằng cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để đưa TPCP trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế với mục tiêu cụ thể là tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt 38% GDP trong năm 2020.
Sẵn sàng đầu tư TPCP kỳ hạn dài
Tổng hợp của phóng viên qua 15 đợt phát hành TPCP đã được Kho bạc Nhà nước phát hành trong tháng 3/2016, có thể thấy lãi suất chủ yếu từ 6,3% - 8%/năm. Chỉ có kỳ hạn 3 năm là lãi suất khoảng 5,5%/năm.
Một cán bộ tín dụng của Eximbank cho biết, trong khi huy động vốn của các ngân hàng thời gian qua khá tốt, tăng trưởng tín dụng lại chưa cao, lãi suất TPCP cao hơn so với lãi suất huy động của ngân hàng và lạm phát hiện nay, nên các ngân hàng dư thừa vốn sẽ tìm đến TPCP để hưởng lãi suất chênh lệch theo kiểu “năng nhặt chặt bị”, khi cần có thể bán bất cứ lúc nào. Nhìn lại năm 2015, các ngân hàng thương mại đã nắm giữ 80% tổng khối lượng TPCP phát hành trên thị trường, còn lại là các nhà đầu tư có tổ chức như công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tiền gửi, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán.
Về kỳ hạn vay, nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng mua vào nhiều hơn các loại trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên. Theo Bộ Tài chính, TPCP thời gian qua được Bộ Tài chính phát hành với kỳ hạn càng ngày càng dài. Nếu như năm 2012 - 2014, kỳ hạn vay bình quân phát hành trên thị trường chỉ 3,1 năm thì đến cuối năm 2015 là 4,44 năm. Bộ này đánh giá, chính quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đạt kết quả tích cực đã tạo niềm tin tốt hơn cho các nhà đầu tư. Trước đây, nhà đầu tư thường đầu tư vào TPCP kỳ hạn ngắn, nhưng khi nền kinh tế có khả năng hồi phục tích cực và niềm tin trở lại thì nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào trái phiếu có kỳ hạn dài hơn.
Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết thêm, năm 2015, lần đầu tiên Bộ Tài chính phát hành loại TPCP kỳ hạn dài là 20 và 30 năm để vừa góp phần huy động vốn cho ngân sách nhà nước vừa đáp ứng được nhu cầu đầu tư dài hạn của các công ty bảo hiểm, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và kết quả rất khả quan. Năm 2016, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục hoạt động này, trong quý I đã phát hành được 10 nghìn tỷ đồng TPCP kỳ hạn từ 10 năm trở lên cho các công ty bảo hiểm.