Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Những rủi ro bắt nguồn từ sự bất ổn tại một số thị trường mới nổi và tình hình căng thẳng thương mại toàn cầu đang đe dọa triển vọng về nhu cầu dầu mỏ, trong khi nguồn cung cũng đang có xu hướng thắt chặt.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giảm 1,78 USD (2,5%), xuống 68,59 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng hạ 1,56 USD (2%), xuống 78,18 USD/thùng, rời khỏi mức cao nhất kể từ ngày 22/5 xác lập trong phiên trước đó. Hai loại dầu này đều chứng kiến mức giảm theo ngày mạnh nhất trong gần một tháng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo rằng mặc dù thị trường dầu mỏ bị thắt chặt ở thời điểm hiện tại và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của thế giới có thể đạt mức 100 triệu thùng/ngày trong ba tháng tới, song những rủi ro từ kinh tế toàn cầu vẫn “rình rập” thị trường năng lượng.
Ngay từ đầu phiên, giá dầu đã đảo chiều hạ sau báo cáo thiếu lạc quan của IEA. Cơ quan này cho hay sản lượng dầu mỏ toàn cầu đã chạm mức cao kỷ lục 100 triệu thùng/ngày trong tháng Tám, song thị trường có thể thắt chặt và giá sẽ được đẩy lên giữa bối cảnh hoạt động xuất khẩu từ Iran và Venezuela sụt giảm.
Thị trường càng chịu sức ép đi xuống khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên mạng xã hội Twitter rằng Mỹ không áp lực trong việc phải đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Sản lượng dầu thô của Mỹ đã giảm 100.000 thùng/ngày, xuống 10,9 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có thể sẽ "soán ngôi" Nga và Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong triển vọng ngắn hạn dựa trên những ước tính sơ bộ của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ./.