Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters. |
Giá dầu thế giới nhích lên trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và hoàn tất một tuần tăng giá nhẹ, nhờ dữ liệu không tệ như dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ và mối lo về hoạt động vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz.
Lúc đóng cửa tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao tháng 9 tăng 0,07 USD/thùng, đạt 63,46 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 9 tăng 0,18 USD/thùng, chốt ở 56,2 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng hơn 1% và giá dầu WTI tăng khoảng 0,5%. Tuần trước, giá dầu Brent giảm 6% và giá dầu WTI giảm 7,5%.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng 2,1% trong quý 2, cao hơn mức dự báo tăng 1,8% mà các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát đưa ra trước đó. Dữ liệu này giúp nhà đầu tư giảm bớt mối lo về sự chững lại của nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Thống kê về kinh tế Mỹ giúp hỗ trợ cho giá dầu. GDP không tệ như dự báo và tiêu dùng tăng trưởng mạnh", nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital Management nhận xét.
Nhưng cũng theo ông Kilduff, nền kinh tế toàn cầu nói chung đang giảm tốc, đặc biệt là ở khu vực châu Á và châu Âu, có thể khiến nhu cầu dầu tăng trưởng yếu đi và giữ giá dầu không thể tăng mạnh.
Tuần tới, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ có vòng đàm phán thương mại trực tiếp đầu tiên kể từ đầu tháng 5. Bất kỳ kết quả tích cực nào từ các cuộc thảo luận này cũng đều có thể đẩy giá dầu lên, và ngược lại.
Phiên tăng điểm ngày thứ Sáu của chứng khoán Mỹ cũng được xem là một nhân tố hỗ trợ giá dầu. Dữ liệu GDP tốt hơn dự báo và kết quả kinh doanh khả quan của một số công ty lớn đã góp phần đưa hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq thiết lập kỷ lục mới.
Ngoài ra, tình hình ở eo biển Hormuz vẫn đang căng thẳng. Tuyến đường huyết mạch của vận tải dầu lửa quốc tế trên biển này đang chứng kiến mâu thuẫn ngày càng "nóng" giữa Iran và phương Tây.
Tehran ngày 26/7 từ chối phóng thích con tàu chở dầu của Anh mà lực lượng Iran bắt giữ vào tuần trước.
Trong khi đó, Chính phủ Anh đã đưa ra đề xuất về một sứ mệnh hải quân do châu Âu dẫn đầu để đảm bảo an toàn hàng hải ở Hormuz. Sáng kiến này đã được nhiều nước châu Âu, trong đó có Đan Mạch, ủng hộ.
Mỹ cũng đang cân nhắc một sáng kiến an ninh hàng hải đa quốc gia ở Vùng Vịnh.
Giá dầu thế giới có chiều hướng chững lại do sự tác độ của những yếu tố trái chiều.
Theo giới phân tích, với mức độ căng thẳng cao như hiện nay ở Vùng Vịnh, giá dầu lẽ ra có thể tăng mạnh hơn. Tuy nhiên, những yếu tố như sản lượng dầu dồi dào của Mỹ và nỗi lo kinh tế toàn cầu giảm tốc đã trung hòa ảnh hưởng của căng thẳng này đối với giá dầu, khiến giá "vàng đen" chững lại.