Những người công nhân làm việc trên một mỏ dầu ở Texas, Mỹ - Ảnh: Getty/CNBC. |
Giá dầu thế giới tăng đáng kể trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi có những dấu hiệu cho thấy Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, có thể đi đến một quyết định giảm sản lượng sâu hơn trong cuộc gặp dự kiến diễn ra tuần này. Số liệu tốt về ngành sản xuất Trung Quốc cũng hỗ trợ cho giá "vàng đen".
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 2 tại thị trường London tăng 0,43 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, đạt 60,92 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 1 tăng 1,4%, chốt ở 55,96 USD/thùng.
Mức giá chốt phiên của dầu Brent và WTI đều thấp hơn mức đỉnh thiết lập trong phiên, nguyên nhân là sức ép từ việc thị trường chứng khoán Mỹ tụt điểm vì số liệu cho thấy ngành sản xuất của Mỹ tiếp tục suy giảm trong tháng 11. Giới đầu tư cũng hoang mang sau khi Tổng thống Donald Trump bất ngờ công bố tái áp thuế quan lên thép và nhôm từ Argentina và Brazil.
Ông Trump "cáo buộc hai nước này thao túng tỷ giá, gây thiệt hại cho nông dân Mỹ. Một lần nữa ông ấy sử dụng chung một chiến thuật cho tất cả các đối tác thương mại của Mỹ", nhà phân tích cấp cao Craig Erlam thuộc Oanda nhận định.
Tuy nhiên, giá dầu nhận được lực hỗ trợ từ một số nhận định về sản lượng của OPEC+. Giới thạo tin tiết lộ với Reuters rằng, khi nhóm họp tuần này, OPEC+ có thể gia hạn thỏa thuận hạn chế sản lượng, đồng thời có khả năng giảm sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng/ngày hoặc hơn.
Các bộ trưởng dầu lửa của OPEC sẽ họp vào ngày thứ Năm tuần này, và tiếp đó, OPEC+ sẽ họp vào ngày thứ Sáu. Các cuộc họp sẽ diễn ra tại trụ sở của OPEC ở Vienna, Áo.
"Khối đang thảo luận về giảm sản lượng sâu hơn", một nguồn tin OPEC nói, và cho biết cơ sở của cân nhắc này là dự báo cho rằng "lượng tồn kho dầu toàn cầu sẽ tăng mạnh trong nửa đầu năm 2020".
OPEC+ đã thực thi thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng/ngày từ tháng 1 năm nay và thỏa thuận sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 năm sau nếu không được gia hạn.
Tuy nhiên, hiện chưa có gì chắc chắn toàn bộ các thành viên của OPEC+ sẽ nhất trí với việc giảm sản lượng sâu hơn. Một số nước trong liên minh này lo ngại rằng việc khối giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu sẽ chỉ khuyến khích Mỹ khai thác dầu nhiều hơn.
Những phiên gần đây, giá dầu trồi sụt mạnh theo sự lên, xuống của hy vọng về việc OPEC+ giảm sản lượng sâu hơn.
"Saudi Arabia có vẻ có ý định duy trì mức cắt giảm sản lượng hiện tại, nhưng gia hạn thỏa thuận cho tới giữa năm sau", ông Jim Ritterbusch, Giám đốc công ty nghiên cứu Ritterbusch and Associates, nhận định.
"Bất kỳ dấu hiệu nào về sự bất đồng giữa các nước sản xuất dầu cũng sẽ gửi đi tín hiệu tiêu cực và gây áp lực giảm lớn đối với giá dầu", nhà phân tích Tamas Varga thuộc công ty môi giới dầu lửa PVM phát biểu. "Nhưng chúng tôi tin rằng điều này sẽ không xảy ra".
Theo số liệu do Chính phủ Mỹ công bố hôm thứ Sáu, sản lượng dầu của nước này đạt kỷ lục 12,46 triệu thùng/ngày trong tháng 9.
"Việc giảm sản lượng sâu hơn có thể giúp giá dầu tăng, nhưng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ vì thế sẽ tăng, và việc OPEC+ hạ sản lượng sẽ mất tác dụng", nguồn tin từ OPEC nói.
Trong tháng 11, hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc bất ngờ tăng trưởng trở lại, nhờ nhu cầu trong nước khởi sắc khi Bắc Kinh đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng. Dữ liệu này góp phần đưa giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Hai.