Bitcoin ngày càng phổ biến tại Nhật - Ảnh: Cointelegragh. |
Theo nhận định của hai nhà phân tích Yoshiyuki Suimon và Kazuki Miyamoto từ Tập đoàn tài chính Nomura, giá đồng Bitcoin tăng mạnh thời gian qua có thể sẽ góp thêm 0,3% vào tăng trưởng GDP của Nhật.
Theo Business Insider, trong một báo cáo gửi tới khách hàng mới đây, Yoshiyuki Suimon và Kazuki Miyamoto chỉ ra rằng "hiệu ứng tài sản" của các nhà đầu tư Bitcoin Nhật có khả năng sẽ thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, từ đó tác động đáng kể lên GDP của nước này.
Trong kinh tế học, "hiệu ứng tài sản" chỉ sự tăng lên đáng kể của các hoạt động kinh tế khi giá tài sản tăng lên làm cho người tiêu dùng cảm thấy giàu có hơn và thúc đẩy chi tiêu của họ.
Hiệu ứng này được đưa ra ngay trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008, khi giá bất động sản tăng vọt khiến người sở hữu cảm thấy giàu có hơn bao giờ hết. Khi giá trị nhà đất tăng lên, những người này đã thoả sức chi tiêu các khoản tiền tiết kiệm, dự phòng của mình, gây hiệu ứng lên toàn bộ nền kinh tế.
Lượng giao dịch Bitcoin tính theo tiền tệ, trong đó đồng Yên chiếm tỷ trọng lớn - Nguồn: Nomura, dựa trên dữ liệu từ Jpbitcoin.com.
Hiện tại, tiền ảo Bitcoin đang ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật, khoảng 40% giao dịch được thực hiện bằng đồng Yên thay vì bằng USD. Theo ước tính của Nomura, khoảng 1 triệu người Nhật hiện nắm giữ tổng cộng khoảng 3,7 triệu Bitcoin. Trong khi đó, số lượng Bitcoin tối đa có thể sản sinh trên thế giới là 21 triệu đơn vị.
Suimon và Miyamoto ước tính "hiệu ứng" tài sản của lượng Bitcoin này là thúc đẩy chi tiêu thêm 96 tỷ Yên (851 triệu USD)
Theo Nomura, tính tới ngày 24/12, giá trị vốn hoá của Bitcoin giao dịch bằng đồng Yên đã tăng lên gần 5,1 nghìn tỷ Yên (4,52 tỷ USD), giúp giá trị tài sản của những người nắm giữ Bitcoin tại Nhật tăng thêm 3,2 nghìn tỷ Yên (3 tỷ USD) trong năm qua.
"Nói chung, giá trị tài sản tăng lên thường thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, được gọi là ‘hiệu ứng tài sản’. Trong báo cáo này, chúng tôi đo ‘hiệu ứng tài sản’ từ lợi nhuận có được nhờ đầu tư Bitcoin của các nhà đầu tư Nhật từ đầu năm 2017 và ước tính sẽ thúc đẩy chi tiêu khoảng 23,2 - 96 tỷ Yên", báo cáo trên nói.
"Hơn nữa, việc giá đồng Bitcoin tăng mạnh chủ yếu trong quý 4/2017 có thể gây ‘hiệu ứng tài sản’ lớn trong quý 1/2017 và sẽ tăng thêm 0,3% vào GDP của Nhật".
Báo cáo trên gây nhiều bất ngờ bởi trước đó, phần lớn các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế cho rằng Bitcoin có vốn hoá thị trường quá nhỏ và thiếu kết nối với các tổ chức tài chính để có thể tác động tới nền kinh tế.
Tính tới ngày 31/12/2017, tổng giá trị vốn hoá của tất cả các đồng tiền ảo là 560 tỷ USD, theo dữ liệu từ CoinMarketCap, nhưng chỉ có 3 trong số 500 hãng bán lẻ trực tuyến hàng đầu chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán.
Tuy vậy, các tổ chức tài chính truyền thống gần đây cũng bắt đầu đưa khách hàng của mình vào thế giới tiền ảo. CBOE, CME Group và Goldman Sachs đều có những động thái cởi mở với tiền ảo khi giới thiệu hợp đồng tương lai Bitcoin và các sản phẩm phái sinh khác. Goldman Sachs sẽ trở thành ngân hàng lớn đầu tiên trên phố Wall tiến hành giao dịch tiền ảo, trong đó có Bitcoin.
Giá Bitcoin đã tăng hơn 1.500% trong năm 2017, có thời điểm chạm mốc 20.000 USD, giúp nhiều nhà đầu tư trở nên giàu có nhanh chóng. Vào lúc 20h00 ngày 1/1/2018 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin giao dịch ở mức 13.311 USD, theo dữ liệu từ CoinMarketCap.