Gắn chiến lược kinh doanh của DN với tăng trưởng xanh

(BĐT) - Phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó doanh nghiệp (DN) có vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. 
Lợi thế cạnh tranh, danh tiếng của doanh nghiệp được tăng thêm khi tham gia vào chuỗi sản xuất xanh toàn cầu. Ảnh: Lan Hương
Lợi thế cạnh tranh, danh tiếng của doanh nghiệp được tăng thêm khi tham gia vào chuỗi sản xuất xanh toàn cầu. Ảnh: Lan Hương

Đối với Việt Nam, trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, cần gắn mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của DN.

Còn hạn chế trong ứng dụng tăng trưởng xanh

Theo TS. Hoàng Ngọc Hải thuộc Khoa Kinh tế, Học viện Chính trị khu vực I, hiện có rất nhiều cách tiếp cận để thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào thì nội dung của tăng trưởng xanh cũng bao gồm các vấn đề: sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, xây dựng kết cấu hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên...

Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều DN ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, phần lớn người dân và DN chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. “Đây được coi là điểm yếu của DN Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn, tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp với các chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong đánh giá đầu tư và dân chúng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của DN”, TS. Hải nhấn mạnh.

Một chuyên gia cho biết, mặc dù nhiều chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được triển khai thực hiện, nhận thức của cộng đồng đã được cải thiện đáng kể, nhưng nhìn chung vẫn còn một khoảng cách lớn để chính sách đi vào đời sống và được chuyển biến ở một tầm mới; cam kết của DN và cộng đồng đối với các hoạt động thúc đẩy xanh hóa sản xuất và lối sống còn rất hạn chế. Bởi, ở Việt Nam, hơn 95% DN là nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, công nghệ của DN về cơ bản vẫn đang ở giai đoạn áp dụng, chưa đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ. 

Tăng lợi thế nhờ tham gia chuỗi sản xuất xanh

Nhu cầu tài chính để triển khai thực hiện các hoạt động về tăng trưởng xanh trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế giảm dần đang là một thách thức lớn. Song, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương, đây có thể xem là một cơ hội cho các tổ chức tài chính và DN Việt Nam khi thúc đẩy phát triển tài chính xanh sẽ đem lại nhiều lợi ích bền vững cho chính các định chế tài chính, cho các DN được vay vốn và cho cả cộng đồng.

Khi tham gia vào quá trình xanh hóa sản phẩm và sản xuất, các DN buộc phải đầu tư hạ tầng và công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Về lâu dài, điều này sẽ giúp DN giảm chi phí về năng lượng và chi phí sản xuất, từ đó gia tăng lợi nhuận. Lợi thế cạnh tranh, danh tiếng của DN cũng được tăng thêm khi tham gia vào chuỗi sản xuất xanh toàn cầu.

“Mặc dù có thách thức về đầu tư ban đầu, nhưng những DN áp dụng công nghệ xanh sẽ có cơ hội lớn trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư, gia tăng lượng khách hàng, và từ đó làm gia tăng giá trị của DN”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương phân tích.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khi bắt đầu xây dựng mô hình tăng trưởng xanh, các DN cần xác định rõ những thách thức khi các nhân tố trong mô hình cạnh tranh – phát triển thay đổi, đồng thời vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội như giảm phát thải, bảo vệ môi trường, loại bỏ ngành nghề kinh doanh không phù hợp và cạnh tranh với các DN nước ngoài.

“Chúng ta đã qua thời kỳ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần, sự khác biệt của sản phẩm, mà giờ đây DN phải tạo ra sự cạnh tranh mang tính bền vững. DN phải tính đến các yếu tố khác khi hoạch định chiến lược cạnh tranh của mình như y tế, xã hội, môi trường, tiết kiệm môi trường, duy trì đa dạng sinh học. Do vậy, DN đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng xanh của Việt Nam”, ông Vinh khẳng định.

Chuyên đề