Công ty In Trần Phú đang quản lý và sử dụng nhiều khu đất đắc địa tại TP.HCM |
Thời gian thực hiện thương vụ dự kiến ngay trong tháng 12/2018. Sự tham gia của cổ đông mới hứa hẹn tương lai nào cho In Trần Phú?
Các cổ đông lớn nhất trí
Với mức giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phần, số tiền In Trần Phú dự kiến thu về là 202,75 tỷ đồng sẽ được Công ty sử dụng để bù đắp nguồn vốn ngắn hạn đã sử dụng (73,8 tỷ đồng) và thanh toán chi phí xây dựng Nhà máy In Trần Phú theo hợp đồng đã ký (128,887 tỷ đồng).
Sau thương vụ này, quy mô vốn điều lệ của In Trần Phú sẽ tăng từ 283 tỷ đồng lên mức 486 tỷ đồng. Theo đó, Endo Việt Nam sẽ trở thành cổ đông có tiếng nói lớn nhất tại In Trần Phú với tỷ lệ nắm giữ lên tới 41,72% vốn điều lệ.
Tại thời điểm cuối quý II/2018, cơ cấu cổ đông của In Trần Phú khá cô đặc. Cụ thể, các nhà đầu tư tổ chức nắm giữ tới hơn 97% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Phú Cường (38,69%), Công ty CP Dịch vụ và Kinh doanh bất động sản Hà Nội (26,52%), Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (18,69%) và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Hòa Lợi (13,33%).
Như vậy, việc Endo Việt Nam sẽ nắm giữ tới 41,72% vốn điều lệ của In Trần Phú cũng đồng nghĩa tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trên bị giảm đi tương ứng. Dĩ nhiên, việc Endo Việt Nam được chọn là cổ đông chiến lược cũng phải nhận được cái “gật đầu” từ những cổ đông trên.
Trước đó, vào tháng 5/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành thoái 5,66 triệu cổ phần In Trần Phú thông qua đấu giá công khai với mức giá khởi điểm là 11.800 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá thu hút tới 8 nhà đầu tư, với số lượng đặt mua gấp nhiều lần số cổ phiếu chào bán. Kết quả, các nhà đầu tư đấu giá thành công đã trả mức giá trung bình là 11.900 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, không chỉ trở thành cổ đông lớn nhất của In Trần Phú, mức giá 10.000 đồng/cổ phần mà Endo Việt Nam chi ra cũng “dễ chịu” hơn so với mức giá mà các nhà đầu tư đã mua thông qua đấu giá.
Tại sao lại là Endo Việt Nam?
Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, Endo Việt Nam được thành lập vào năm 2011, cổ đông sáng lập của Endo Việt Nam là 2 pháp nhân gồm: Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Kim Ngân (do bà Vũ Thị Kim Thanh là người đại diện theo pháp luật, nắm giữ 90,89% vốn) và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Hoa Lợi (nắm giữ 9,11% vốn). Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Endo Việt Nam là bà Vũ Thị Kim Thanh.
Trong buổi họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2018, trả lời thắc mắc của cổ đông về lý do lựa chọn Endo Việt Nam là nhà đầu tư chiến lược duy nhất, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT In Trần Phú cho biết: “Endo Việt Nam là công ty có tiềm lực tài chính (vốn điều lệ là 353,5 tỷ đồng), có kinh nghiệm đầu tư bất động sản, cho thuê văn phòng hiệu quả, phù hợp với các tiêu chí lựa chọn đối tác và phù hợp với mục tiêu phát triển của Công ty”.
Có lẽ, khi nói về sự phù hợp với chiến lược phát triển của Endo Việt Nam, ông Tuấn muốn nói đến tiềm năng các khu đất đắc địa của In Trần Phú. Có thể kể tới một số khu đất như: Số 6 Thi Sách, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM được chuyển đổi từ đất làm nhà xưởng sang đất làm khách sạn, trung tâm thương mại; Số 31 - 33 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM được chuyển đổi để xây dựng công trình văn phòng - bãi đậu xe nổi; Số 6A, đường số 1, KP2, phường Linh Trung, quận Thủ Đức; Số 130 - 131 Kha Vạn Cân, phường Linh Trung, quận Thủ Đức...
In Trần Phú tiền thân là Nhà in Trần Phú thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, được thành lập năm 1947. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Công ty là sản xuất công nghiệp in; sản xuất bao bì túi giấy; xuất nhập khẩu và kinh doanh vật tư thiết bị ngành in; dịch vụ liên quan đến in; kho bãi và lưu trữ hàng hóa. Mặc dù gặp khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh chính, DN này vẫn có các khoản bù đắp nhờ sở hữu hàng loạt mảnh đất vàng có giá trị tại trung tâm TP.HCM.