Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Hiện cổ phiếu các công ty dược lớn như DHG (CTCP Dược Hậu Giang), TRA (CTCP Traphaco), IMP (CTCP Dược phẩm Imexpharm), DMC (CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco) đều có mức giá trên 50.000 đồng/CP.
Chi phí quảng cáo khủng
6 tháng đầu năm 2016, Dược Hậu Giang báo lãi 300 tỷ đồng sau thuế, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán hàng của Công ty cũng tăng 12,1%, đạt 1.839 tỷ đồng. Kết quả này có được với sự hỗ trợ đắc lực của hoạt động marketing, trong đó có quảng cáo.
Chỉ trong nửa năm, Dược Hậu Giang đã chi tới 110 tỷ đồng cho hoạt động quảng cáo, đấy là chưa kể 140 tỷ đồng chiết khấu thương mại, cũng là một trong những hoạt động hỗ trợ cho kênh bán lẻ của Công ty. Chi phí quảng cáo riêng 6 tháng đầu năm 2016 của Dược Hậu Giang đã vượt qua chi phí quảng cáo hàng năm trước đó của Công ty. Một đặc điểm của thị trường dược Việt Nam là sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ OTC (bán thuốc không qua đơn).
Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang cho biết, 10% doanh thu của Công ty đến từ thuốc chữa bệnh (ETC), còn lại chủ yếu là doanh thu thương mại (OTC). Đấu thầu thuốc ở bệnh viện, vì thế, mặc dù vẫn là điểm mạnh của Dược Hậu Giang so với các doanh nghiệp trong nước, nhưng chỉ góp phần nhỏ vào kết quả kinh doanh của Công ty.
Cũng theo bà Nga, việc tăng mạnh chi phí quảng cáo trong nửa đầu năm là do chủ trương tập trung đầu tư vào 3 sản phẩm chủ đạo của Công ty là Naturez Caps, Natto Enzym, Hapacol 250 Flu. Tuy nhiên, khoản đầu tư nào cũng có độ trễ nhất định, doanh thu bán hàng 6 tháng của Công ty chưa tăng với tỷ lệ tương xứng.
Chi phí quảng cáo và Lợi nhuận trước thuế của Dược Hậu Giang (Đơn vị: Tỷ đồng)
Chùn chân?
Khó để nhận xét biến động doanh thu của Dược Hậu Giang qua những năm gần đây do những thay đổi về chính sách hạch toán doanh thu. Tuy nhiên, quan sát lợi nhuận của Dược Hậu Giang, có thể thấy tốc độ tăng trưởng của Công ty có đôi chút trồi sụt. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục duy trì ở mức 2 con số, và ngành dược vẫn đang là ngành cực kỳ hấp dẫn.
Năm 2015, Dược Hậu Giang lãi 671 tỷ đồng trước thuế (chưa tính thu nhập tài chính), giảm 2,37% so với năm 2014 và chỉ hoàn thành 92% kế hoạch đề ra. Một trong các nguyên nhân được Dược Hậu Giang cho biết là có tới 63 sản phẩm của Công ty hết số đăng ký hoặc không đăng ký lại được. Ngoài ra, sản lượng hàng thầu của Công ty giảm 32,6%, doanh thu thầu giảm 24%. Vụ việc một trẻ em tử vong đầu tháng 11/2015 sau khi dùng Unikids (một sản phẩm của Dược Hậu Giang) cũng khiến Công ty bị thiệt hại đáng kể. Phải đến đầu năm 2016, cơ quan điều tra mới đưa ra kết luận chính thức, minh oan cho Dược Hậu Giang.
Mục tiêu của Dược Hậu Giang là có ít nhất 1 nhãn hàng đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng và 5 nhãn hàng đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng. Chi phí quảng cáo của Công ty vì vậy sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.