Dự án Đầu tư mở rộng mạng truyền dẫn IP năm 2022 có 14 gói thầu với tổng mức đầu tư 1.421 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
14 gói thầu đều được đấu thầu qua mạng, trong đó 2 gói thầu dịch vụ phi tư vấn được giao cho Tổng công ty Mạng lưới Viettel làm bên mời thầu, mỗi gói thầu có 1 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) và trúng thầu.
12 gói thầu còn lại là gói thầu mua sắm hàng hóa, do Viettel làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Hai gói thầu trong số đó đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu từ tháng 1/2023, mỗi gói thầu có 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu.
Đối với 10 gói thầu mua sắm hàng hóa vừa được Viettel công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, 6 gói thầu chỉ có 1 nhà thầu nộp HSDT và trúng thầu; 4 gói thầu còn lại thu hút được 2 - 3 lượt nhà thầu tham dự mỗi gói. Đáng chú ý, tất cả các nhà thầu tham dự đều vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật.
Trong số 4 nhà thầu được lựa chọn trúng 10 gói thầu nói trên, Công ty CP Tư vấn chuyển giao công nghệ ITC (Công nghệ ITC) trúng 4 gói thầu với tổng giá trị gần 417 tỷ đồng.
Tại Gói thầu Mua sắm router, switch và firewall cho mạng DCN cùng dịch vụ liên quan, Công nghệ ITC trúng thầu với giá 64,008 tỷ đồng (giá gói thầu 68,359 tỷ đồng). Đối thủ của Công nghệ ITC là Công ty CP Phát triển công nghệ viễn thông tin học Sun Việt (Tin học Sun Việt) với giá dự thầu thấp hơn (59,4 tỷ đồng) nhưng giá đánh giá lại cao hơn (72,688 tỷ đồng).
Tại Gói thầu Mua sắm thiết bị IP cho hạ tầng mạng công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ liên quan, giá trúng thầu của Công nghệ ITC là 144,1 tỷ đồng (giá gói thầu 158,6 tỷ đồng). Hai nhà thầu bị loại tại gói thầu này là Tin học Sun Việt và Công ty CP Viễn thông - Tin học Bưu điện (Tin học Bưu điện).
Tại 2 gói thầu còn lại, Công nghệ ITC không có đối thủ cạnh tranh (là nhà thầu duy nhất nộp HSDT và trúng thầu), gồm: Gói thầu Mua sắm thiết bị IP cho hạ tầng mạng CNTT Cisco và dịch vụ liên quan (giá trúng thầu là 33,579 tỷ đồng, giá gói thầu 33,633 tỷ đồng); Gói thầu Mua sắm thiết bị mở rộng mạng IP Core Cisco (giá trúng thầu 174,87 tỷ đồng, giá gói thầu 175,13 tỷ đồng).
Bị loại vì kém cạnh tranh về giá tại 2 gói thầu trên, nhưng Tin học Sun Việt cũng trúng 4 gói thầu của Viettel với tổng giá trúng thầu hơn 335 tỷ đồng. Trong đó, 3 gói thầu chỉ có Tin học Sun Việt nộp HSDT và trúng thầu gồm: Gói thầu Mua sắm thiết bị mở rộng mạng IP Core Juniper (giá trúng thầu 70,543 tỷ đồng, giá gói thầu 70,544 tỷ đồng); Gói thầu Mua sắm thiết bị mở rộng mạng Metro Ethernet Juniper (giá trúng thầu 106,363 tỷ đồng, giá gói thầu 108,862 tỷ đồng); Gói thầu Mua sắm thiết bị CGNAT cho mạng IPBN và dịch vụ liên quan (giá trúng thầu 58,08 tỷ đồng, giá gói thầu 75,63 tỷ đồng).
Tại Gói thầu Mua sắm router cho mạng MPBN và dịch vụ liên quan (giá gói thầu 106,04 tỷ đồng), Tin học Sun Việt trúng thầu với giá 100,8 tỷ đồng, trong khi đối thủ cạnh tranh duy nhất là Công ty CP Tư vấn chuyển giao công nghệ ITC có giá dự thầu cao hơn.
Tại Gói thầu Mua sắm router PE cho mạng IPBN và dịch vụ liên quan, Công ty CP Truyền thông số 1 trúng thầu với giá 31,83 tỷ đồng (giá gói thầu 57,13 tỷ đồng). Hai đối thủ bị loại trong cuộc cạnh tranh về giá chính là Tin học Sun Việt và Công nghệ ITC.
Tại Gói thầu Mua sắm thiết bị mở rộng mạng Metro Ethernet Cisco, nhà thầu duy nhất nộp HSDT và trúng thầu là Công ty CP Viễn thông - Tin học bưu điện với giá trúng thầu 199,32 tỷ đồng (giá gói thầu 205,33 tỷ đồng).
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu của Viettel cho biết, 10 gói thầu trên đều đóng thầu từ tháng 12/2022 nhưng đến nay mới lựa chọn được nhà thầu. Thời gian đánh giá HSDT kéo dài là do các gói thầu có kỹ thuật phức tạp, Bên mời thầu nhiều lần phải gia hạn thời gian đánh giá để làm rõ HSDT của các nhà thầu. Hiện nay, Viettel đã ký hợp đồng với các nhà thầu trúng thầu và dự kiến, các nhà thầu sẽ triển khai thực hiện 10 gói thầu trên trong tháng 4/2023.