Ảnh Internet |
Thêm giải pháp hóa giải thách thức
Trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cũng như hóa giải thách thức về nhu cầu năng lượng tăng cao, Việt Nam cùng các đối tác phát triển đã chủ trương hợp tác phát triển năng lượng. Theo đó, chiều ngày 21/6/2017, Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt VEPG bên lề Hội nghị cấp cao đối thoại chính sách về năng lượng bền vững.
Nhóm đối tác có chức năng nhận diện các cơ hội nhằm nâng cao tính liên kết giữa hỗ trợ quốc tế với các chiến lược và hành động về năng lượng; tăng cường huy động tài chính và các nguồn lực khác từ Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển và khu vực tư nhân để triển lhai các chiến lược và kế hoạch hành động liên quan… Theo thông cáo phát đi, các bên sẽ nỗ lực làm cho viện trợ ODA phù hợp với các hệ thống và cính sách quốc gia ở mức có thể. Việc này bao gồm cả những nỗ lực tạo điều kiện nhiều hơn cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng bền vững, từ đó tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng năng lượng.
Đề cao tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm giúp Việt nam phát triển năng lượng bền vững, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet cho rằng, trong bối cảnh chi phí của công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm thì đây là thời điểm mở ra cơ hội thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Khi chuyển đổi năng lượng sang một nền kinh tế xanh hơn sẽ góp phần giúp Việt Nam chống biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng không khí cho người dân, đồng thời giảm rủi ro địa chính trị bằng việc hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như tạo ra sự phát triển xanh. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, VEPG góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu về an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các nỗ lực quốc gia và cam kết quốc tế về phát triển bền vững.
Tại Hội nghị, ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương cho hay, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đối với phát triển kinh tế trong giai đọan từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2035 là rất lớn. Ngay trong năm 2017, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt về nhiên liệu sơ cấp và phải nhập khẩu than, khí hóa lỏng để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội. Về vốn đầu tư, ước tính trong giai đoạn đến năm 2035, vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của ngành khoảng 310 tỷ USD. Tính riêng ngành điện, nhu cầu đầu tư đến năm 2030 là 148 tỷ USD, chưa tính các dự án BOT… Chưa kể thách thức được ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chỉ ra là, mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP đang tương đối cao so với các nước ASEAN khác; Việt Nam mới triển khai được ít các nguồn năng lượng tái tạo dù có tiềm năng lớn; sự tham gia của khu vực tư nhân còn chậm... “Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần có một hướng đi và giải pháp hợp lý nhằm phát triển năng lượng bền vững”, Kamal Malhotra khuyến nghị.
Huy động mạnh mẽ sự tham gia của khu vực tư nhân
Cho rằng tài chính đang là trở ngại lớn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam, vị chuyên gia của Liên hợp quốc nhận xét, trong quá khứ các khoản đầu tư vào sản xuất năng lượng được nhà nước tài trợ hoặc bảo lãnh công khai, bao gồm các khoản vay ODA cho ngành điện. Căn cứ trên thực trạng đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng còn chậm, mức trần nợ công hiện nay khoảng 65% và mức nợ cao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Kamal Malhotra cho rằng Việt Nam phải có giải pháp hiệu quả khuyến khích sự tham gia đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào lĩnh vực này.
Về hướng giải quyết, ông Kamal Malhotra khuyến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần hướng tới việc cấp điện an toàn và chi phí thấp. Việt Nam nên loại bỏ dần sự hỗ trợ của nhà nước đối với việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng nhiên liệu hóa thạch; chi phí môi trường và xã hội càn được vào giá năng lượng. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng ở cả phía cung và cầu cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giúp đảm bảo an ninh năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế.
Cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững, trong đó có lĩnh vực năng lượng, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại Việt Nam mong muốn “là một chất xúc tác trong việc thu hút nhiều hơn sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án năng lượng”.
Đối với vấn đề này, thông tin tại Hội nghị, ông Cường cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ chi phối; tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển năng lượng; thực hiện tái cơ cấu ngành để từng bước phát triển thị trường cạnh tranh trên cơ sở đảm bảo an ninh năng lượng và giảm chi phí; Việt Nam xây dựng thị trường và chính sách giá phù hợp nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển ngành năng lượng bền vững.