Doanh nghiệp ngành đá xây dựng: Cải thiện lợi nhuận nhờ đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2023, mảng khai thác và kinh doanh đá làm vật liệu xây dựng của nhiều doanh nghiệp phục hồi nhờ động lực từ các dự án đầu tư công lớn. Kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2024 tiếp tục là cơ sở giúp triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có nhiều thuận lợi.
Bộ Giao thông vận tải ước tính, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ cần 21,5 triệu m3 đá xây dựng cho các công trình giao thông trọng điểm. Ảnh: Thu Huyền
Bộ Giao thông vận tải ước tính, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ cần 21,5 triệu m3 đá xây dựng cho các công trình giao thông trọng điểm. Ảnh: Thu Huyền

Doanh nghiệp đá xây dựng phục hồi

Tại Công ty CP Hóa An, với việc đang quản lý và khai thác 3 mỏ đá có trữ lượng khai thác còn lớn, gồm: Tân Cang 3 (Bình Phước), Thạnh Phú 2 (Đồng Nai) và Núi Gió (Đồng Nai), công suất khai thác đá hàng năm của Công ty hiện lên tới hơn 1,6 triệu m3. Trong năm 2023, Công ty đạt 95,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 83,4% so với năm 2022. Hoạt động kinh doanh của Công ty được đánh giá có nhiều thuận lợi khi các dự án đầu tư hạ tầng giao thông trong khu vực được đẩy mạnh. Đặc biệt, mỏ Tân Cang 3 và Thạnh Phú 2 chỉ cách dự án sân bay Long Thành 25 - 30 km.

Theo báo cáo tài chính vừa được Công ty CP Đá Núi Nhỏ công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Công ty giảm 12,2% so với năm 2022. Tuy vậy, nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do trong năm 2022, Công ty có khoản thu nhập bất thường 36,3 tỷ đồng nhờ được hoàn tiền thuê đất. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính của Công ty là khai thác và bán đá làm vật liệu xây dựng ghi nhận doanh thu thuần năm 2023 đạt 175,9 tỷ đồng, tăng 2,18 lần so với năm 2022; lợi nhuận gộp đạt 49,2 tỷ đồng, tăng 2,85 lần.

Quản lý và khai thác mỏ đá Tân Lập tại Bình Phước và mỏ đá Núi Nhỏ tại Đồng Nai, sau giai đoạn gặp khó khăn do dịch bệnh và sự ảm đảm của thị trường bất động sản, hoạt động khai thác và kinh doanh đá của Đá Núi Nhỏ đã phục hồi trong năm 2023 với động lực từ việc đẩy mạnh đầu tư công của Nhà nước vào lĩnh vực hạ tầng giao thông giúp tăng nhu cầu tiêu thụ với loại vật liệu xây dựng này. Theo đó, sản lượng đá tiêu thụ năm 2023 tăng 90,37% so với năm 2022; riêng quý IV/2023, sản lượng đá tiêu thụ tăng 146,55%.

Tại Công ty CP Miền Đông, doanh nghiệp đang khai thác mỏ đá Tân Mỹ tại Bình Dương với công suất 1 triệu m3/năm, năm 2023, lợi nhuận đạt 753 triệu đồng, giảm 96,5% so với năm 2022; riêng quý IV/2023 lỗ sau thuế 3,73 tỷ đồng. Mặc dù vậy, kết quả này chủ yếu do khó khăn từ hoạt động xây lắp và bất động sản, còn mảng khai thác đá vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 21,3% về lợi nhuận gộp. Quý IV/2023, mảng này đem về 14,7 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 47% so với quý IV/2022.

Năm 2023, Công ty CP Khoáng sản miền Đông AHP, doanh nghiệp quản lý và khai thác mỏ đá An Bình tại Bình Dương, ghi nhận doanh thu thuần đạt 454 tỷ đồng, tăng 2,26 lần so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 52,6 tỷ đồng, tăng 2,02 lần. Bên cạnh các công trình xây dựng được nghiệm thu thanh quyết toán, sự phục hồi của mảng kinh doanh đá xây dựng đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của Công ty.

Tại Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (BIMICO), doanh thu bán sản phẩm (chủ yếu là đá xây dựng) trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm 58% so với cùng kỳ năm 2022, nối tiếp chuỗi suy giảm kéo dài từ năm 2019.

Nguyên nhân của tình trạng này đến từ mỏ đá Tân Đông Hiệp của BIMICO hết hạn khai thác từ tháng 12/2019 và quá trình phát triển mỏ mới gặp khó khăn. Đến tháng 1/2023, mỏ đá Phước Vĩnh cũng hết hạn khai thác, tiến độ xin gia hạn khai thác chậm. Tại mỏ đá Tam Lập, BIMICO xin cấp quyền khai thác từ năm 2022, nhưng đến đầu năm 2024 mới nhận được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của UBND tỉnh Bình Dương.

Kỳ vọng tiếp tục hưởng lợi từ đầu tư công

Năm 2024, triển vọng mảng kinh doanh đá xây dựng của các doanh nghiệp đang được đánh giá tiếp tục hưởng lợi từ định hướng đẩy mạnh đầu tư công của Nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải ban hành Chỉ thị số 01/CT-BGTVT về đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công với mục tiêu trong năm 2024 đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc. Một loạt dự án do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản như các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất… được đưa vào danh sách tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầu tư bên cạnh loạt dự án mới được khởi công ngay từ đầu năm.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải ước tính, giai đoạn 2023 - 2025 sẽ cần 21,5 triệu m3 đá xây dựng cho các công trình hạ tầng trọng điểm. Nhu cầu trên thực tế có có thể cao hơn khi quy hoạch tổng thể phát triển đường cao tốc quốc gia được thực hiện.

Tuy vậy, với đặc thù ngành đá xây dựng, bên cạnh chất lượng đá thì chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành và là tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn nguồn đá cung cấp cho các dự án, cũng như tiến độ các dự án đầu tư công không đồng đều hay việc cấp phép cho các mỏ mới kéo dài, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng có xu hướng tăng… sẽ khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành đá có sự phân hóa.

Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, trong khi nhu cầu được kỳ vọng sẽ tăng mạnh, thì nguồn cung đá xây dựng lại khá hạn chế do quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 vẫn chưa được phê duyệt và việc cấp phép khai thác mới hoặc mở rộng khai thác tại các mỏ đá đang gặp khó khăn. Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho nhóm các doanh nghiệp đang sở hữu các mỏ đá sẵn sàng khai thác ở vị trí thuận lợi, công suất lớn và thời gian khai thác dài.

Chuyên đề