Điểm sáng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước

(BĐT) - Bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP năm 2019 ước đạt 7,02%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp trong giai đoạn chiến lược 10 năm nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 7%, vượt mục tiêu đề ra, quy mô được mở rộng với chất lượng ngày càng được cải thiện.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực chính cho phát triển kinh tế - vẫn giữ đà tăng trưởng cao. Ảnh: Lê Tiên
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực chính cho phát triển kinh tế - vẫn giữ đà tăng trưởng cao. Ảnh: Lê Tiên

Một trong những điểm sáng là tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã đạt 46% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mức cao nhất từ trước tới nay.

Quy mô mở rộng, chất lượng cải thiện

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019 có nhiều điểm sáng, trong đó phải kể đến tăng trưởng kinh tế. Trong khu vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ đà tăng trưởng cao, trong đó các ngành trọng điểm, sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng xuất khẩu giữ tốc độ tăng khá. Ngành khai khoáng đã có mức tăng trưởng dương 1,29% sau 3 năm giảm liên tục. Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, nhóm cây ăn quả đạt sản lượng thu hoạch khá, đặc biệt ngành thủy sản là điểm sáng của khu vực này (tăng 5,6%) với sản lượng nuôi trồng và khai thác đều tăng khá.

Cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng tỷ trọng vốn khu vực ngoài nhà nước tăng đều qua các năm, giảm tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước. Năm 2019, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã đạt 46% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mức cao nhất từ trước đến nay.

Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2019, đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Ngoài ra, phải kể đến một số điểm sáng trong bức tranh kinh tế của năm 2019 như: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt qua mốc 500 tỷ USD. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp trong nước khi có tốc độ tăng trưởng đạt 17,7%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng 4,2% của khu vực FDI.

Số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục 138,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thể hiện sức khỏe của các doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây. 

Nhận diện những thức thức, khó khăn

Mặc dù động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2019 tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) nhưng dự báo cho thấy, sẽ khó duy trì tốc độ tăng như năm 2019 trong các năm tiếp theo.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp thuộc Tổng cục Thống kê phân tích, trong năm 2019 tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp nói chung và ngành chế biến, chế tạo nói riêng thấp hơn trong 2 năm gần đây. Chỉ số tăng trưởng công nghiệp năm nay chỉ tăng 9,1%, thấp hơn mức tăng 10% của năm 2018 và mức 11,3% của năm 2017. Điều này thể hiện xu hướng đi xuống của tăng trưởng ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng. 

Trong khi đó, quy mô của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay là rất lớn, lại phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI (khu vực này chịu tác động của các công ty mẹ ở nước ngoài), nên để duy trì mức độ ổn định trong sản xuất là một thách thức trong thời gian tới.

Liên quan đến thách thức trong xuất khẩu, ông Nguyễn Bích Lâm thông tin, giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản năm 2019 có giảm so với năm trước nên kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản năm nay đều giảm. Khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, mọi biến động của thế giới cũng tác động đến nền kinh tế trong nước, trong khi khả năng chống chịu trước những biến động của bên ngoài còn hạn chế sẽ là những thách thức đặt ra cho kinh tế Việt Nam trong năm 2020.

Việc kiểm soát lạm phát cũng chịu không ít thách thức. Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá phân tích rõ, về phần điều hành thuộc quản lý của Nhà nước, một số mặt hàng dịch vụ có lộ trình điều chỉnh giá như: dịch vụ giáo dục; tháng 7/2020 sẽ tăng lương cơ sở kéo theo đó là chi phí kết cấu tiền lương của giá dịch vụ y tế cũng sẽ tăng theo; điều hành một số dịch vụ công khác có thể tăng. Về phía thị trường, ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi có thể ảnh hưởng tới CPI, ít nhất là trong quý I/2020. Cùng với đó là dịp Tết Nguyên đán sắp đến sẽ kéo theo sự tăng giá của hàng loạt các mặt hàng mặt hàng tiêu dùng, đồ uống, mua sắm… Ngoài ra, giá xăng dầu đang có xu hướng tăng trở lại và được nhiều tổ chức quốc tế cảnh báo vẫn có xu hướng tăng cao trong năm 2020.

Chuyên đề