Didi tuyên bố hủy niêm yết tại Mỹ trước sức ép từ Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images |
Theo Bloomberg, Didi là tâm điểm của chiến dịch siết quản lý đối với lĩnh vực công nghệ của Chính phủ Trung Quốc. Nhà chức trách nước này trước đó đã yêu cầu công ty rút khỏi sàn chứng khoán Mỹ do lo ngại lượng dữ liệu khổng lồ về người dùng mà Didi đang nắm giữ có thể bị chính quyền nước ngoài khai thác. Theo báo cáo chưa kiểm toán, Didi đạt doanh thu 6,6 tỷ USD trong quý 3, giảm từ mức 7,6 tỷ USD của quý trước đó.
Vào đầu tháng 7, không lâu sau khi Didi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn chứng khoán New York (Mỹ), ứng dụng gọi xe của công ty này đã bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng tại Trung Quốc. Cơ quan an ninh mạng Trung Quốc khi đó cho biết phát hiện nhiều vấn đề trong cách công ty này thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của người dùng. Theo các nhà phân tích, do các biện pháp siết chặt quản lý và giám sát từ nhà chức trách, Didi có thể đã phải tăng chi phí để giải quyết các vấn đề liên quan tới dữ liệu và đối tác tài xế. Vào tháng trước, cơ quan quản lý Trung Quốc đã luật hóa các quy định liên quan tới bảo vệ quyền lợi cho tài xế công nghệ.
Theo Bloomberg, Didi đã khiến các nhà quản lý của Trung Quốc “nóng mặt” khi vẫn tiếp tục niêm yết cổ phiếu tại Mỹ bất chấp yêu cầu từ nhà chức trách về việc đảm bảo an toàn dữ liệu trước IPO. Ngay sau IPO khủng của công ty này, giới chức Trung Quốc đã nhanh đóng khởi động hàng loạt cuộc điều tra nhằm vào công ty này và cân nhắc đưa ra những khoản phạt chưa có tiền lệ. Và việc hủy niêm yết có thể là một trong các hình phạt dành cho hãng công nghệ này.
Trước những áp lực từ Bắc Kinh, Didi vào tháng trước đã tuyên bố sẽ hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán New York và chuyển sang niêm yết tại Hồng Kông.
Quyết định của Didi được đưa ra không lâu tháng sau khi công ty này thực hiện thương vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) khủng tại Mỹ hồi cuối tháng 6, huy động được hơn 4 tỷ USD và đưa định giá công ty lên hơn 73 tỷ USD. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu công ty này đã giảm 65% và đóng cửa phiên giao dịch 29/12 với mức giá 4,94 USD/cổ phiếu.
Thông báo của Didi được đưa ra chưa đầy 24h sau khi Ủy ban Chúng khoán Mỹ (SEC) thống nhất các quy định cho phép cơ quan này hủy niêm yết cổ phiếu của các công ty nước ngoài không tuân thủ các thông lệ về kế toán tại Mỹ. Quy định này cho phép SEC thực thi luật Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài (Holding Foreign Companies Accountable Act - HFCA). Đạo luật này được thông qua vào năm 2020 sau khi các nhà chức trách Trung Quốc liên tục từ chối yêu cầu của Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Mỹ - được thành lập vào năm 2002 để giám sát công tác kiểm toán của các công ty đại chúng tại Mỹ.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, Didi cho biết cổ phiếu lưu ký tại Mỹ của công ty có thể được hoán đổi thành cổ phiếu giao dịch tự do của công ty trên một sàn giao dịch chứng hoán được quốc tế công nhận. Công ty dự kiến tổ chức một cuộc họp cổ đông và tổ chức bầu chọn về vấn đề này.
Trong năm qua, Chính phủ Trung Quốc có hàng loạt động thái siết quản lý đối với các hãng công nghệ khổng lồ. Cuối năm ngoái, IPO của Ant Group – công ty công nghệ tài chính của tập đoàn Alibaba, đã bị đình chỉ ngay trước thềm lên sàn. Bắc Kinh sau đó đưa ra hàng loạt các quy định mới từ siết chặt luật chống độc quyền trên các nền tảng internet cho tới luật bảo vệ dữ liệu. Cả Alibaba, công ty giao đồ ăn Meituan cùng nhiều hãng công nghệ khác đều phải lĩnh án phạt.