Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Điểm lựa chọn hấp dẫn
Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và góc nhìn, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang gia tăng dịch chuyển vào Việt Nam, trong đó có dòng vốn từ thị trường Trung Quốc. Cuộc dịch chuyển này không chỉ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mà còn do nỗ lực cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh và việc thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Việt Nam không phải là nước có môi trường cạnh tranh bậc nhất trong ASEAN, song lại là nơi có sự cải thiện cạnh tranh nhất. Hơn nữa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cách quản lý của Việt Nam được Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á công bố đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Thái lan, Singapore, Malaysia); môi trường chính trị ổn định…”, ông Dương phân tích. Chính vì vậy, khi dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi thị trường Trung Quốc thì Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Về nhà đầu tư Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhận xét, 3 năm gần đây, nhất là cuối năm 2018 và đầu năm 2019, nhà đầu tư Trung Quốc có sự đột phá đầu tư vào Việt Nam.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 trong danh sách hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,29 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Phân tích thêm về việc dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc vào Việt Nam, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, khi có chiến tranh thương mại, các DN sẽ tính đến chuyện phân bố lại rủi ro, đầu tư và cơ cấu sản phẩm. Vì thế, việc nhà đầu tư có xu hướng giảm đầu tư vào Trung Quốc và tăng đầu tư vào nước khác là dễ hiểu. Trong quá trình này, Việt Nam là một địa điểm được ưu tiên lựa chọn bởi chúng ta có những lợi thế. Theo ông Cung, đó là lợi thế về chi phí (tiền lương) rẻ hơn Trung Quốc…
Ai là người hưởng lợi?
Nhìn về sức lan tỏa của dòng vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước; năng lực cạnh tranh của DN, nhất là DN nhỏ và vừa…, không thể không quan ngại.
“Chủ thể xuất khẩu hiện nay vẫn là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Môi trường kinh doanh hiện chỉ tốt với DN FDI mà chưa tốt với DN trong nước do còn nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành… khiến DN trong nước không lớn được hoặc không muốn lớn… Nếu chúng ta không thay đổi thì chỉ nhận được một phần rất nhỏ lợi ích từ sự chuyển dịch dòng vốn này. Đây là điều đáng suy nghĩ, phải làm sao để trong quá trình dịch chuyển này, người Việt Nam, DN Việt Nam được hưởng lợi”, ông Cung bày tỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Toàn nhìn nhận, khả năng nắm bắt các cơ hội của DN trong nước còn yếu. “Các nghiên cứu cho thấy, Hiệp định CPTPP mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt Nam, nhưng qua nửa năm Hiệp định có hiệu lực, chúng ta chưa tận dụng được nhiều cơ hội...”.
Vậy đâu là giải pháp nâng cao hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để nuôi dưỡng sự lớn lên của DN trong nước? Theo Viện trưởng CIEM, không có cách nào khác là Việt Nam phải tiếp tục cải cách, hỗ trợ nâng cao năng lực của DN và người dân, để DN yên tâm tăng đầu tư vào công nghệ, vào quản lý để đi ra toàn cầu chứ không phải loanh quanh “chạy” chỗ này, xin chỗ kia… “Những cải cách phải tạo điều kiện để nâng đỡ, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Chỉ khi nào khu vực kinh tế này phát triển thì khi đó lợi ích của dòng vốn FDI vào Việt Nam mới nhiều hơn”, ông Cung nói.
Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến nhấn mạnh vấn đề sàng lọc FDI. Về vấn đề này, hiện Chính phủ đã có báo cáo Bộ Chính trị về định hướng thu hút FDI thế hệ mới. Khi những giải pháp nói trên được thực hiện một cách đồng bộ, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ đóng góp hiệu quả hơn cho người dân, DN Việt Nam.