TP.HCM xây dựng chương trình hỗ trợ cho 6.000 doanh nghiệp mạnh. Ảnh: Hoài Đức |
Niềm tin về môi trường kinh doanh
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) diễn ra tuần qua tại Hà Nội, lãnh đạo nhiều địa phương đều có chung đánh giá, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện đã tạo động lực cho DN bỏ vốn đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, số DN thành lập mới trên địa bàn năm 2018 là 25.187 DN với số vốn đăng ký 392,87 nghìn tỷ đồng, tăng 3% về số lượng DN và tăng 84% về số vốn đăng ký.
Với Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, DN thành lập mới trong năm 2018 của Tỉnh đã đạt trên 1.000 DN với số vốn tăng hơn 21,6% so với năm 2017. Hà Tĩnh tiếp tục thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn cả trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực công nghệ mới, năng lượng… theo đúng định hướng.
Trong nhiều báo cáo gửi Hội nghị, hầu hết các địa phương cho biết, số lượng DN thành lập mới tăng cao là một trong những kết quả nổi bật của địa phương. Cụ thể, Thanh Hóa có 3.392 DN thành lập mới, vượt 13% kế hoạch; Bình Dương có gần 6.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký mới hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017...
Điểm lại kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế của TP.HCM năm 2018, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, công tác xã hội hóa trên địa bàn Thành phố có nhiều điểm nổi bật. Năm 2018, Thành phố có 20 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã hoàn tất ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư 67.223 tỷ đồng. Đồng thời, Thành phố có 683 dự án tham gia Chương trình kích cầu đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 46.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đã hỗ trợ lãi vay cho các dự án là 2.998 tỷ đồng. “Như vậy, bình quân 1 đồng ngân sách bỏ ra cho Chương trình kích cầu đầu tư đã thu hút được khoảng 15,4 đồng từ nguồn lực xã hội”, ông Phong nhấn mạnh.
Với những con số ấn tượng trên, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, đây là kết quả từ những chính sách, giải pháp của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ rào cản cho DN thời gian qua.
Đồng tình với nhận xét này, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định: “Kết quả đạt được là nhờ công tác tham mưu của Bộ KH&ĐT với việc đưa ra những chỉ số rất rõ ràng để cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. Bộ KH&ĐT vừa là một trong những bộ tiên phong cắt giảm điều kiện kinh doanh, cũng vừa là cơ quan tham mưu và cắt giảm thực chất”.
Phấn đấu có 140.000 DN thành lập mới trong năm 2019
Chỉ thị về việc triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vừa được Bộ KH&ĐT ban hành đặt mục tiêu, cả nước sẽ có 140.000 DN thành lập mới trong năm 2019.
Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của DN tiếp tục được Bộ KH&ĐT đề xuất như: Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; đánh giá đúng thực trạng và nghiên cứu, xây dựng giải pháp giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động từ 30 - 50%... Bộ thường xuyên chủ động trao đổi, đối thoại với cộng đồng DN trong và ngoài nước để kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập liên quan đến khung chính sách về DN, đầu tư, đấu thầu, dịch vụ…, từ đó xác định những kiến nghị tháo gỡ phù hợp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Cam kết chính quyền TP.HCM sẽ đồng hành cùng DN, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, năm 2019, Thành phố xây dựng chương trình hỗ trợ cho 6.000 DN mạnh (có số vốn trên 100 tỷ đồng); thành lập Quỹ phát triển dự án (PDF) và Quỹ bù đắp tài chính (VGF); tiếp tục chuyển các dự án đầu tư công có khả năng đảm bảo nguồn thu sang chương trình kích cầu đầu tư, dự kiến tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 47.000 tỷ đồng...
Để tiếp tục bứt phá trong thu hút đầu tư, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cam kết, Hà Nội sẽ tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục đầu tư để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn.