Những công trình vẽ hình đất nước

 
(BĐT) Tòa nhà Quốc hội, cầu vượt 3 tầng Ngã ba Huế, cầu Nhật Tân, thủy điện Bản Chát và Huội Quảng... là những công trình nổi bật của đất nước.
Những công trình vẽ hình đất nước

Nhà Quốc hội trên đường Độc Lập (quận Ba Đình - Hà Nội) được xây dựng trên nền Nhà Quốc hội cũ, trong khuôn viên khu di tích Hoàng thành Thăng Long - trung tâm chính trị, lịch sử, văn hóa của đất nước. Công trình được đánh giá có quy mô, độ phức tạp lớn nhất từ trước đến nay do các nhà thầu Việt Nam xây dựng, và đây cũng là công trình công sở lớn đầu tiên thuộc khối cơ quan trung ương được xây dựng mới từ sau năm 1975.

Sau 16 tháng thi công, cầu vượt 3 tầng Ngã Ba Huế (Đà Nẵng) được cho là  công trình cầu vượt có quy mô lớn nhất Việt Nam và được mệnh danh là “công trình không ngủ” đã đi vào hoạt động, chấm dứt điểm đen tai nạn giao thông giữa tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam. 

Nhật Tân - cầu dây văng dài nhất Việt Nam bắc qua sông Hồng (Hà Nội) có tổng vốn đầu tư 13.626 tỷ đồng. Đây là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, được áp dụng công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống đo ứng suất cốt thép, dầm thép… được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Cây cầu này không chỉ phục vụ giao thông, mà còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực cửa ngõ Thủ đô Hà Nội.

Sau 3 năm xây dựng, Nhà ga T2 được thiết kế với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng; có các hệ thống thiết bị hàng không tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, đã hoàn thành. Nhà ga T2 đi vào hoạt động giúp giải quyết tình trạng quá tải tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài hiện nay với công suất phục vụ 10 triệu hành khách mỗi năm. Dự án Nhà ga T2 đem lại tiềm năng mới cho Sân bay quốc tế Nội Bài với công suất 25 triệu hành khách đến năm 2020.

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có tổng chiều dài 663 km từ Đắk Zôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), với tổng số vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng. Sau 1,5 năm triển khai xây dựng, toàn bộ tuyến đường đã được đưa vào khai thác sử dụng, về đích trước tiến độ 1 năm 6 tháng so với dự kiến, tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng.

Công trình thủy điện Bản Chát và Huội Quảng được xây dựng trên sông Nậm Mu, thuộc địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và huyện Mường La, tỉnh Sơn La với tổng công suất 740MW, trong đó, Thủy điện Huội Quảng là công trình thủy điện ngầm lớn thứ ba của Việt Nam, lần đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế, quản lý giám sát và thi công. Công trình thủy điện Bản Chát và Huội Quảng cung cấp cho hệ thống điện quốc gia sản lượng điện trung bình trên 3 tỷ kWh. Ngoài ra, còn góp phần chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho Đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 trong giai đoạn này có tổng chiều dài là 1.475 km, được chia làm 2 đoạn chính: đoạn Hà Nội - Thanh Hóa 133 km và đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ 1.342 km (tương đương với 38 dự án, gồm 20 dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và 18 dự án BOT). Tuyến đường xương sống của cả nước được nâng cấp, mở rộng lên 4 làn xe hoàn thành không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km, tuyến đường được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam đến thời điểm này. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại. Tuyến đường này góp phần hiện đại hóa hạ tầng giao thông phía Bắc và góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020  cả nước có trên 2.000 km đường cao tốc.

Chuyên đề