Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) thanh toán, hạch toán chi phí thuê tư vấn độc lập theo quy định hiện hành.
Hé lộ thông tin về nhà thầu tư vấn được lựa chọn, một cơ quan chức năng cho hay, đó là một nhà thầu có tiếng của nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán.
Trước đó, đối với dự án này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, trước ngày 01/7 tới đây, Bộ Công Thương phải có phương án báo cáo Thủ tướng. Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nhà nước sẽ không bỏ tiền cứu các dự án kém hiệu quả. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập tổ công tác; thuê tư vấn độc lập; đánh giá toàn diện Dự án, trong đó có phương án bán Dự án, phương án bán Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.
Với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - đơn vị tài trợ vốn cho cho Dự án, TISCO cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khoanh nợ gốc, miễn tối thiểu 50% lãi vay thời gian Dự án ngừng thi công, cho TISCO đến 2019 mới bắt đầu trả nợ và đến 2034 mới trả xong…
Đề cập đến phương án bán Dự án, ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành thép nhìn nhận, đó là khả năng khó xảy ra. Sau khi được tư vấn đánh giá Dự án, trong trường hợp Chính phủ chỉ định nhà thầu thực hiện Dự án, một chuyên gia đấu thầu thuộc Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo hiệu quả Dự án. Tất cả những cam kết này phải được cụ thể hóa bằng hợp đồng. Hợp đồng ký kết giữa các bên phải là loại hợp đồng trọn gói, có cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng cũng như chế độ xử phạt được quy định rõ ràng. “Nếu quay lại cơ chế cũ, hợp đồng không có cam kết giá cả, nhà thầu cứ làm kiểu nước lên thuyền lên sẽ khó tránh khỏi cơ chế xin - cho, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả Dự án”- vị đại diện này nói thêm.
Vị đại diện cơ quan này kiến nghị, bên cạnh phương án chỉ định thầu, Bộ Công Thương nên tham khảo hình thức đấu thầu hạn chế để có thêm cơ hội lựa chọn được một nhà thầu tốt nhất. “Phương án chỉ định thầu sẽ không thể cạnh tranh bằng phương án lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu hạn chế, có trường hợp nhà thầu được chỉ định lại cố tình “làm mình làm mẩy” có thể ảnh hưởng đến hiệu quả Dự án” - vị đại diện Hiệp hội này nói.