Xây dựng tuyến xe buýt nhanh Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, Chính phủ đồng ý vay vốn ODA Nhật Bản, sau đó sẽ cho Bình Dương vay lại 100% để thực hiện dự án này.
Theo đơn vị tư vấn là Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), dự án xây dựng tuyến xe buýt nhanh Thành phố mới Bình Dương - Suối Tiên có 2 dự án thành phần gồm: dự án xe buýt nhanh trong đô thị (BRT) và dự án xây dựng phát triển khu vực xung quanh ga Suối Tiên. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho 2 dự án này là 3.511 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Mục đích của dự án này là hình thành trục đô thị với các đô thị hạt nhân nhờ phát triển đô thị lấy giao thông công cộng (TOD) làm trung tâm nhằm chuyển đổi phương thức giao thông từ phương tiện xe máy cá nhân sang phương tiện xe buýt công cộng chất lượng cao thông qua hệ thống nhà chờ, bãi đổ và giữ xe để từng bước chuyển đổi thói quen đi lại.
Hiệu quả mang lại khi chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng ước tính tiết kiệm 3.000 đồng/người/ngày chi phí nhiên liệu và tiết kiệm thời gian tương đương 500 đồng/người/ ngày.
Bên cạnh đó, Nhà nước còn tăng được nhiều nguồn thu thuế: Thuế thu nhập cá nhân, thuế nhu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cùng với sự gia tăng về giá trị BĐS…
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, từ nay đến thời kỳ ổn định dân số dọc tuyến (năm 2021), nhu cầu giao thông công cộng bằng BRT là 23.255 lượt hành khách/ngày; đến năm 2030 là 52.500 lượt hành khách/ ngày và năm 2040 là 84.995 lượt hành khách/ngày.
Đây là kết quả nghiên cứu ở mức trung bình; nếu thúc đẩy tốt việc tập trung dân số nhờ các chính sách triển khai TOD hay thu hút công nghiệp có giá trị gia tăng cao thì lượng khách sẽ tăng cao hơn.
Trên cơ sở phân tích kinh tế của dự án, JICA đưa ra kết quả so sánh: Trường hợp không triển khai BRT thì người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy với thời gian di chuyển trung bình mỗi ngày là 30 phút, chi phí tương ứng khoảng 18.000 đồng, chưa kể kinh phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.
Trường hợp thực hiện dự án thì thời gian di chuyển sẽ giảm trung bình 5 phút/người nhờ hạn chế tình trạng kẹt xe, kẹt đường và chi phí cũng giảm 3.000 đồng/người/ngày. Như vậy, nếu triển khai thực hiện dự án, mỗi ngày sẽ tiết kiệm cho xã hội 30 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỷ lệ hoàn vốn của dự án theo tiêu chuẩn trung bình thực hiện bằng vốn vay ODA là 12% thì dự án này có tỷ lệ hoàn vốn đến 53%. Dự án thật sự có ý nghĩa xã hội và kinh tế to lớn cho Bình Dương.