Đấu giá quyền sử dụng đất: Tồn tại, hạn chế lớn ở quy định đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Tư pháp, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) chưa phát hiện vấn đề vướng mắc lớn về trình tự, thủ tục đấu giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả đấu giá. Những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đấu giá đất thực chất nằm ở nhiều khâu khác thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, bộ, ngành khác. Trước mắt, cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về đất đai để nâng cao hơn nữa hiệu quả của đấu giá đất.
Một số quy định về vốn chủ sở hữu của người tham gia đấu giá, khả năng huy động vốn, phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá chưa chặt chẽ, chưa khả thi. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Một số quy định về vốn chủ sở hữu của người tham gia đấu giá, khả năng huy động vốn, phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá chưa chặt chẽ, chưa khả thi. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Theo số liệu thống kê từ Bộ Tư pháp, từ ngày 1/1 - 31/12/2021, có 9.855 cuộc đấu giá QSDĐ được đấu giá thành công (chiếm gần 38% tổng số cuộc đấu giá đã tổ chức và chiếm 47,5% tổng số cuộc đấu giá thành). Giá khởi điểm QSDĐ đưa ra đấu giá là 46.858 tỷ đồng (chiếm 71,7% tổng giá khởi điểm của tài sản đưa ra đấu giá), giá trúng đấu giá QSDĐ đạt 67.118 tỷ đồng (chiếm 74,3% tổng giá trúng đấu giá).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Bổ trợ tư pháp đã tổ chức 2 đoàn thanh tra theo kế hoạch đối với Sở Tư pháp, các tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS) tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu; 2 đoàn kiểm tra tại Sở Tư pháp, các tổ chức hành nghề ĐGTS tại Bến Tre và Quảng Bình. Theo kế hoạch, trong năm 2022, Cục Bổ trợ tư pháp sẽ tiếp tục tổ chức 1 đoàn thanh tra các tổ chức, hoạt động ĐGTS tại TP.HCM và một số đoàn thanh tra đột xuất khác để thanh tra việc lựa chọn tổ chức ĐGTS theo quy định mới của Thông tư số 02/2022/TT-BTP, giải quyết các khiếu nại, tố cáo phát sinh.

Bộ Tư pháp (Cục Bổ trợ tư pháp) đã có hơn 20 văn bản đề nghị các sở tư pháp, người có tài sản và cơ quan chủ quản xem xét, xác minh, xử lý các phản ánh, kiến nghị liên quan đến trình tự, thủ tục ĐGTS. Trên cơ sở văn bản đề nghị của Bộ Tư pháp, người có tài sản đã kịp thời dừng cuộc đấu giá, hủy kết quả đấu giá do có hành vi vi phạm của tổ chức ĐGTS như vụ đấu giá QSDĐ tại TP. Việt Trì (Phú Thọ)...

Bộ Tư pháp cho rằng, thời gian qua có nhiều tồn tại, hạn chế liên quan tới công tác đấu giá, đặc biệt là đấu giá QSDĐ. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá QSDĐ nói riêng và tài sản khác nói chung chưa phát hiện vấn đề vướng mắc lớn về trình tự, thủ tục đấu giá gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả đấu giá. Bởi Luật ĐGTS chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá do các tổ chức ĐGTS thực hiện, trong khi còn nhiều yếu tố khác quyết định thành công của cuộc đấu giá, đặc biệt là đấu giá QSDĐ như: xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá, quy định yêu cầu, điều kiện đối với cá nhân, doanh nghiệp tham gia đấu giá, giám sát quá trình tổ chức đấu giá, nộp tiền trúng đấu giá… Những yếu tố này lại chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật chuyên ngành (pháp luật về đất đai, pháp luật dân sự, quản lý thuế…).

Ngoài ra, Bộ Tư pháp đánh giá, một số quy định về yêu cầu, điều kiện vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn, phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá của người tham gia đấu giá còn chưa chặt chẽ, chưa khả thi, chưa đánh giá đúng năng lực của người tham gia đấu giá QSDĐ để thực hiện dự án đầu tư, chưa ràng buộc được trách nhiệm của người trúng đấu giá (thanh toán tiền trúng đấu giá, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư sau khi trúng đấu giá...).

Tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp nên quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, xử lý nếu không có sự vào cuộc của cơ quan công an với các biện pháp nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra).

Bộ Tư pháp cho rằng, thời gian tới cần nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho phép sửa đổi, bổ sung Luật ĐGTS, trong đó tập trung sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá đảm bảo chặt chẽ, khách quan, minh bạch, nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức ĐGTS. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan trong quá trình sửa đổi, bổ sung pháp luật đất đai về đấu giá QSDĐ, nhất là các quy định về giá khởi điểm, xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá, các điều kiện tham gia đấu giá, việc nộp tiền trúng đấu giá, chế tài xử lý vi phạm nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Tại Hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, phải thay đổi cơ chế đấu giá đất. Sửa đổi quy định pháp luật liên quan tới đất đai cần quy định rõ đấu giá đất phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, áp dụng trong tất cả các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, không có ngoại lệ. Vấn đề tồn tại trong các quy định pháp luật liên quan tới đấu giá đất, theo chuyên gia này, là tiền đặt cọc còn quá thấp nên người trúng đấu giá không phải cân nhắc quá nhiều khi bỏ cọc. Để hạn chế tình trạng này, TS. Vũ Đình Ánh đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) tách biệt "tiền đặt trước" với "tiền đặt cọc". Theo đó, tiền đặt trước quy định như hiện nay, còn tiền đặt cọc có thể là từ 20 đến 30% giá đất trúng đấu giá và phải nộp ngay sau khi công bố kết quả. Nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền đặt cọc thì bị loại và cuộc đấu giá sẽ tiếp tục.

Chuyên đề