Ngoại trưởng Canada Christia Freeland (giữa), Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo (trái). (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Các Bộ trưởng Thương mại Canada, Mexico và Mỹ đã kết thúc vòng sáu đàm phán lại NAFTA vào ngày 29/1 vừa qua tại thành phố Montreal của Canada, với việc đạt được một số sự tiến triển nhưng vẫn còn tồn tại những thách thức khó khăn cho việc hoàn tất đàm phán thỏa thuận mới.
Giáo sư kinh tế và thương mại Michael Manjuris từ Đại học Ryerson ở Toronto cho biết một sự đột phá đối với lĩnh vực công nghiệp ôtô sẽ là điều cần thiết trong vòng đàm phán tiếp theo để tất cả được thấy sự tiến triển thực sự sau các cuộc đàm phán và sẽ không có khả năng mọi thứ biến chuyển thành các cuộc chiến về chính trị nếu NAFTA bị hủy bỏ.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sau khi kết thúc cuộc đàm phán cho rằng các bên đã tiến thêm một bước sau khi vòng đàm phán mới nhất này kết thúc, song ông cũng chỉ trích Canada về những tranh chấp thương mại gần đây giữa hai nước. Ông đã gọi đơn kiện Mỹ của Canada lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là "chưa từng xảy ra" và "đây là sự tấn công có quy mô lớn nhằm vào toàn bộ hệ thống luật pháp thương mại của Mỹ."
Hồi tháng trước, Chính phủ Canada đã đệ trình lên WTO một bộ hồ sơ kiện dày 32 trang cáo buộc Mỹ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế đối với các sản phẩm của Canada và đã liệt kê hơn 100 hành động của phía Mỹ làm dẫn chứng giải thích cho cáo buộc của mình.
Phía Canada cho rằng Mỹ đã vi phạm thỏa thuận chống bán phá giá của WTO, Hiệp dịnh về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM), Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), Bản thỏa thuận về những Quy tắc và Thủ tục Chi phối việc Giải quyết Tranh chấp. Theo giáo sư Manjuris, đơn kiện của Canada là tiếng nói của nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định năm đầu tiên cầm quyền của ông là thành công lớn và nước Mỹ vẫn luôn mở cửa cho thương mại quốc tế, trái ngược với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" mang tính bảo hộ mậu dịch vẫn được ông lặp lại trong các lần phát biểu ở trong nước.
Đối với NAFTA, giáo sư Manjuris cho rằng những quan chức tham gia đàm phán sẽ phải đối mặt với những yếu tố gây nhiều khó khăn như vấn đề ngành công nghiệp ôtô, cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ được diễn ra tại Mexico vào cuối tháng Hai tới và có nhiều lý do để lạc quan cho tương lai của NAFTA với những kết quả khả quan mà các bên đã đạt được sau vòng đàm phán lại thứ sáu này.
Với sự tham dự của các doanh nghiệp Mỹ, thành viên của quốc hội và các thượng nghị sỹ Mỹ tại vòng đàm phán vừa qua và theo giáo sư Manjuris, tất cả đều muốn chứng minh rằng NAFTA có lợi cho người Mỹ./.